Thay chủ, có đổi vận?

Vậy là không có gì bất ngờ khi ứng viên Alberto Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả 'Mặt trận của tất cả mọi người' giành chiến thắng trong cuộc đua với đương kim Tổng thống Argentine Mauricio Macri, đại diện cho liên minh 'Đoàn kết vì sự thay đổi'. Trong một tuyên bố, ông Macri thừa nhận thất bại, đồng thời chúc mừng đối thủ Fernandez.

Vậy là không có gì bất ngờ khi ứng viên Alberto Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả “Mặt trận của tất cả mọi người” giành chiến thắng trong cuộc đua với đương kim Tổng thống Argentine Mauricio Macri, đại diện cho liên minh “Đoàn kết vì sự thay đổi”. Trong một tuyên bố, ông Macri thừa nhận thất bại, đồng thời chúc mừng đối thủ Fernandez.

Ông Fernandez, một luật sư 60 tuổi, nhận được 48% phiếu bầu - dễ dàng vượt qua ngưỡng chiến thắng, trong khi ông Macri có được 40,44% số phiếu. Việc gương mặt mới Alberto Fernandez lên nắm quyền được cho là đáp lại sự mong đợi của người dân Argentine, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh đang chìm trong suy thoái, đồng nội tệ liên tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát, đói nghèo và thất nghiệp luôn ở mức cao.

Đây là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và tâm lý của cử tri. Và tất nhiên, thực trạng này đang đặt lên vai vị tổng thống đắc cử những thách thức lớn. Đó là chưa kể đến khoản tiền 57 tỷ USD mà chính phủ của Tổng thống Macri đã vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn kèm theo đó phải đáp ứng một số điều kiện khắc nghiệt, bao gồm cả những chính sách “thắt lưng buộc bụng”, gây bất bình lớn trong xã hội.

Và vì lẽ đó, Tổng thống đắc cử Fernandez gần như không có thời gian để thưởng thức chiến thắng vang dội trước khi đối mặt với thách thức cố gắng làm giảm phản ứng của thị trường, vốn có khả năng biến động lớn trước chiến thắng của ông. Ông Fernandez dự kiến sẽ sớm có một cuộc họp với Tổng thống sắp mãn nhiệm Macri tại cung điện Casa Rosada để bắt đầu hợp tác hạn chế thiệt hại khi Argentine thay đổi chính sách thân thiện với thị trường của ông Macri trở lại chủ nghĩa bảo hộ Peronist. Sự trở lại của những người theo chủ nghĩa bảo hộ Peronists diễn ra trong bối cảnh suy thoái kéo dài và khủng hoảng nợ nần, làm dấy lên lo ngại về sự vỡ nợ có thể xảy ra đối với khoản vay IMF trị giá 57 tỷ USD.

Và rõ ràng, các thị trường phản ứng như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách hai nhà lãnh đạo này phản ứng. Ông Fernandez ban đầu đã có những tuyên bố trấn an thị trường khi khẳng định sẽ chấm dứt sự phân cực từ lâu đã chia rẽ nền chính trị Argentine giữa phong trào Peronist của ông và những người ủng hộ chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông Macri.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215091_thay-chu-co-doi-van-.aspx