Đều đặn mỗi tháng một lần vào ngày cuối tuần, các thầy, cô giáo tại Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại tự tay đi chợ, vào bếp nấu hàng trăm suất ăn để gửi tặng người nghèo, khuyết tật,... Món ăn chủ yếu là mì Quảng, bún, bánh cuốn dễ chế biến.
Địa điểm nấu ăn được tận dụng từ bếp ăn bán trú của nhà trường. Kinh phí do thầy cô trong trường tự nguyện đóng góp từ tiền lương của mình.
Mặc dù công tác chuyên môn ở trường khá bận nhưng thầy cô giáo vẫn cố gắng sắp xếp, tranh thủ thời gian rảnh để chuẩn bị suất ăn cho người khó khăn. Mỗi người một việc, các cô chia nhau lặt rau, xới mì, nấu nước dùng; còn các thầy thì phụ trách việc chặt gà, bưng bê nồi niêu, nguyên liệu…
Các giáo viên thực tập cũng hào hứng tham gia hoạt động thiện nguyện ý nghĩa của trường.
Các thầy cô cùng nhau sắp thức ăn lên bàn chơi bóng bàn được đặt trước cổng trường. Mỗi suất ăn còn kèm thêm một hộp sữa.
Nhiều người nghèo biết thông tin đã đến xếp hàng ngay ngắn đợi để nhận những "phần quà" từ các thầy cô.
3 năm qua, "bếp ăn 0 đồng" của thầy cô giáo đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo, khó khăn ở Đà Nẵng.
Ý tưởng về "Bếp ăn 0 đồng" được thầy giáo Trương Vĩnh Đặng khởi xướng từ năm 2019 và được đồng nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động thiện nguyện cũng giúp thầy cô trong trường thêm gắn kết hơn.
"Ban đầu, nguồn kinh phí để phục vụ bếp ăn là vận động từ giáo viên. Sau đó, có thêm một số phụ huynh và người dân xung quanh cũng quan tâm, ủng hộ. Tôi hi vọng hoạt động này sẽ được nhân rộng trong nhiều trường học ở Đà Nẵng để chúng ta giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa", thầy Đặng chia sẻ.
Những suất ăn miễn phí được các thầy cô giáo trao tận tay cho những người lao động nghèo, kèm theo lời chúc ngon miệng. Người nhận trao lại nụ cười đằng sau lớp khẩu trang rồi lại quày quả theo cuộc mưu sinh.
Cô Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ, trao 50.000 đồng cho mỗi trường hợp đến nhận suất ăn là người khuyết tật.
"Bếp đã đỏ lửa suốt 3 năm qua, nguồn kinh phí là tiền riêng của các thầy cô đóng góp vào, mỗi người một ít. Chúng tôi biết những suất quà này không giúp được bao nhiêu, nhưng là tấm lòng sẻ chia một phần nào đó khó khăn với bà con", cô Thanh nói và cho biết thêm, các thầy cô chủ động vào bếp nấu ăn để giảm bớt chi phí và thêm được các khẩu phần ăn cho người nghèo.
Chở con trai 2 tuổi đến nhận 2 suất mì Quảng, anh Nguyễn Văn Tiến (31 tuổi, quê Hà Nội) cho biết, anh bị mất 1 cánh tay trong vụ tai nạn lúc 5 tuổi. Sau khi kết hôn với người vợ cùng cảnh ngộ, gia đình anh lặn lội vào Đà Nẵng mưu sinh 10 năm nay. Đứa con trai khỏe mạnh là động lực của cả nhà. "Trường Tiểu học Tây Hồ là địa điểm em thường ghé đến mỗi tháng để nhận suất ăn miễn phí cho cả nhà", Tiến chia sẻ.
Dù quy định mỗi người 1 suất nhưng nhiều người xin thêm phần cho chồng, con, bố mẹ già ở nhà cũng được các thầy cô vui vẻ tặng thêm.
Nâng niu suất ăn miễn phí vừa nhận được trên tay, bà Trần Thị Kiệm (68 tuổi) chia sẻ: “Tôi làm nghề nhặt ve chai và là khách quen của bếp ăn 0 đồng này. Biết tin hôm nay thầy cô lại phát suất ăn miễn phí nên tôi còn nhắn thêm mấy người cùng làm đến đây để nhận”.
“Giáo viên thì tiền cũng không có nhiều, chủ yếu là tấm lòng thôi. Khi thầy Đặng kêu gọi bếp ăn miễn phí thì các thầy cô trong trường đều vui vẻ hưởng ứng ngay. Mình hi vọng bếp ăn 0 đồng sẽ tiếp tục được giữ lửa và lan tỏa yêu thương đến mọi người trong thời gian tới”, cô Đoàn Thị Thanh Bình, giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ bộc bạch.
2 người phụ nữ làm nghề nhặt ve chai, vui vẻ ngồi thưởng thức bữa ăn do các thầy cô tặng ngay trên vỉa hè sát cổng trường. "Món mì Quảng hôm nay rất ngon. Đối với người nghèo chúng tôi, tiết kiệm được 20 ngàn cho một bữa trưa cũng rất quý. Tôi vui lắm, cảm ơn các thầy cô giáo rất nhiều", bà Phan Thị Liên (65 tuổi) trải lòng.
Những suất ăn 0 đồng ấm lòng người nhận và cả người trao đã giúp san sẻ phần nào khó khăn với người lao động nghèo trong cơn "bão giá" và viết thêm những câu chuyện tử tế, nối dài ân tình của thành phố đáng sống.