Thầy cô góp gạo, phụ huynh góp củi - chuyện lạ ở Tu Mơ Rông
Khi tiếng trống trường giục giã vang lên cũng là lúc từng tốp học sinh ùa ra khỏi lớp. Từng em xếp hàng ngồi ngay ngắn vào mâm cơm trưa mà thầy cô đã chuẩn bị sẵn. Sau tiếng mời cơm, lũ trẻ ăn uống ngon lành, với gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc.
Thương trò
Dưới cái lạnh của những ngày đông, xã Tu Mơ Rộng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) được bao bọc bằng những màn sương trắng xóa. Chúng tôi băng qua màn sương sớm để đến Trường tiểu học Tu Mơ Rông. Đón chúng tôi, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường mời khách vào uống chén nước cho ấm người. Sau một lúc trò chuyện, cô Vân đưa đoàn di chuyển đến điểm trường số 2, cách trường chính khoảng 5km. Điểm trường này là nơi tập trung của các em lớp 1 và lớp 2 thuộc 3 thôn Văn Xăng, Đăk Ka, Đăk Neng.
Cô Vân tâm sự, các em học sinh ở 3 thôn này trước đây vẫn theo học ở điểm trường chính. Tuy nhiên, do xa trường nên việc các em đến lớp không được đầy đủ. Do đó, điểm trường số 2 được dựng lên để giúp quãng đường học con chữ của các em bớt khó khăn hơn.
Nhiều học sinh nhà cách trường 3-4km, sau khi học xong, buổi trưa các em đi bộ về nhà ăn cơm. Do nhà xa, không có người đưa đón vì bố mẹ bận làm nương rẫy nên buổi học chiều các em "lười" đến lớp. Các thầy cô giáo trong trường thường xuyên đến nhà vận động, tuy nhiên chỉ được ít bữa, sĩ số của các lớp lại giảm đáng kể. Chính vì đi học không đều nên các em không tiếp thu kịp kiến thức. Có những em học hết lớp 1 vẫn chưa đọc "sõi", hoặc không làm được những phép tính đơn giản.
Thương học trò nên cô Vân nhiều đêm thức trắng tìm cách giúp các em đến trường. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô Vân cũng mạnh dạn đề ra ý kiến "Thầy cô trong trường gây quỹ để nấu cơm cho học sinh". Khi nghe cô Vân đưa ra ý tưởng, các thầy cô trong trường đều nhất trí đồng tình và ủng hộ. Ngay lập tức, 19 cán bộ, giáo viên mỗi người một ít tiền nộp vào quỹ để nấu cơm cho các em ở điểm trường số 2.
Thầy góp gạo, phụ huynh góp củi
Mặc dù số tiền quỹ không đáng kể, tuy nhiên các thầy cô vẫn cố gắng nấu những bữa cơm trưa đầy đủ dưỡng chất gồm thịt, cá, rau cho các em. Số tiền còn dư, các thầy cô còn bổ sung thêm mỗi em một hộp sữa để học trò có sức khỏe.
Nhận thấy tình cảm của những giáo viên, phụ huynh học sinh cũng tự nguyện mang củi đến trường để hỗ trợ thầy cô nấu cơm. Tận dụng phòng học bỏ trống của trường, bếp ăn được dựng lên và thầy A Phiên (52 tuổi, ở gần điểm trường) phụ trách nấu nướng. Những chiếc bàn học cũ cũng được tận dụng tối đa để làm bàn ăn cho các em.
Còn về chén, đũa, nồi, chảo... các thầy cô phải đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Qua một thời gian lên ý tưởng và thực hiện, tháng 11 vừa qua, bếp ăn của trường chính thức đỏ lửa để nấu những bữa cơm đủ đầy dinh dưỡng cho học sinh. Từ ngày bếp ăn chính thức đi vào hoạt động, sĩ số của các lớp đông đủ hẳn. "Nhà mình gần điểm trường, nấu ăn cũng không tệ lắm nên mình muốn nấu cho các em những bữa cơm ấm cúng và ngon nhất", thầy A Phiên rạng ngời tâm sự.
Thầy A Phiên kể, trước khi có bếp ăn này, nhiều học sinh phải ăn cơm trắng, cơm độn lá sắn đến trường. Còn có những em phải nhịn đói đến lớp vì bố mẹ bận đi làm nương rẫy, không ai lo toan việc nhà. Biết được hoàn cảnh của các em như vậy, thầy cô trong trường thấy thương vô cùng.
Vừa đảo nồi thức ăn, thầy A Phiên vừa cho hay, bình thường nấu một mâm cơm cho gia đình đã khó, giờ nấu cơm cho vài chục người nên việc luôn tay. Do đó, trước 6h sáng mỗi ngày, thầy A Phiên đã thức dậy, chạy xe máy vượt qua những con dốc cao, những đoạn đường đèo để đến trường chính lấy túi thực phẩm được một thầy giáo khác mua sẵn. Sau đó, thầy lại vội vã chạy về điểm trường để dọn dẹp và nổi lửa nấu cơm.
"Trưa nay khẩu phần ăn của các em có 1kg thịt lợn, 5 miếng đậu khuôn và 2 cái bắp cải. Mình chế biến 3 món, gồm: Món kho, xào và canh để các em có đầy đủ dưỡng chất đến lớp học con chữ. Do gia đình khó khăn, nên bữa cơm có thịt cá với học sinh nơi đây vô cùng hiếm. Từ ngày ở trường nấu cơm, mình thấy các em rạng ngời hẳn. Mong rằng bữa cơm sẽ "kéo" các em đến lớp đủ đầy, khi đó tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn", thầy A Phiên hào hứng khoe với PV.
Khói bếp bay nghi ngút làm cay xè đôi mắt người thầy. Lấy tay vội dụi khóe mắt, thầy A Phiên lại thoăn thoắt xào cải bắp trên bếp cho kịp bữa cơm trưa của các em. Mâm cơm vừa được dọn lên cũng là lúc các em tan học. Từng tốp ùa ra khỏi lớp đi rửa tay rồi ngồi ngay ngắn vào bàn. Lũ trẻ khoanh tay mời mọi người dùng cơm rồi từ tốn gắp thức ăn. Những ánh mắt rạng ngời, nụ cười hạnh phúc, cứ thế bọn trẻ thưởng thức hết mâm cơm một cách ngon lành.
Ông An Văn Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, sau khi Trường tiểu học Tu Mơ Rông triển khai nấu cơm trưa cho học sinh, sĩ số lớp học của trường đã tăng đáng kể. Theo ông Sáu, mô hình này của các thầy cô cần được duy trì và phát triển. Nếu nhà trường gặp khó khăn, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.
Trao đổi với PV, ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, người dân chủ yếu làm nương rẫy nên ít quan tâm đến việc học hành và ăn uống của con em mình. Theo ông A Hơn, mô hình nhà trường xây dựng bếp ăn cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất có ý nghĩa. Những mô hình và tấm gương tiêu biểu như thế này cần được tuyên dương và học tập để nhân rộng. Cũng theo vị chủ tịch huyện, sau khi nắm được vụ việc, ông đã chỉ đạo Phòng Tài chính và Phòng Giáo dục xem xét tìm nguồn ngân sách giáo dục để hỗ các thầy cô tiếp tục phát triển mô hình này.