Thầy cô 'mách' cách ôn thi và làm bài đạt điểm cao môn Sử khi thi vào lớp 10
Nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản và khả năng loại trừ những phương án nhiễu các em dễ mất điểm 'oan', đặc biệt ở những câu hỏi chọn mốc thời gian và sự kiện.
Thành phố Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư trong kì thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 bên cạnh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thí sinh làm bài thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên Phiếu trả lời trắc nghiệm với thời gian là 60 phút.
Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 và điều chỉnh theo nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và Việt Nam. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Vì đặc thù là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ nên vấn đề khó khăn của học sinh là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn. Đặc biệt trong giai đoạn này khi chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ chính thức tổ chức thi vào lớp 10.
Nhằm giúp học sinh có chiến thuật ôn thi hiệu quả và kỹ năng làm bài thi đạt điểm cao, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam,Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên môn Lịch sử, trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) có lời khuyên với thí sinh rằng, trong quá trình ôn tập, các em nên tham khảo đề thi Lịch sử vào 10 của những năm học trước để biết được cấu trúc đề thi, kỹ thuật ra đề thi từ đó xác định trọng tâm nội dung ôn tập.
Đặc biệt, để đạt điểm cao môn Lịch sử đòi hỏi học sinh phải tái hiện được sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử trong sách giáo khoa. Những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, giai đoạn lịch sử khó nhớ học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập.
“Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần nắm vững kỹ thuật khi làm bài thi trắc nghiệm, trong phiếu trả lời trắc nghiệm phần ghi thông tin thí sinh sử dụng bút bi, phần tô số báo danh, mã đề và đáp án các em lưu ý sử dụng loại bút chì 2b, khi tô đậm và tô kín ô.
Khi làm bài, trả lời được câu hỏi nào học sinh nên tô luôn đáp án câu hỏi đó, những câu có đáp án gây nhiễu nhiều khó tìm ra được các đáp án đúng thì không nên vội tô, bỏ qua để làm các câu hỏi tiếp theo. Sau khi đã làm xong các câu dễ quay trở lại để làm các câu hỏi khó, có nhiều đáp án gây nhiễu.
Tránh trường hợp làm ra đề thi xong khi gần hết giờ mới tô đáp án vào phiếu trả lời, dễ dẫn đến tình trạng tô nhầm đáp án và ảnh hưởng đến kết quả bài thi, nhiều trường hợp không đủ cả thời gian để tô đáp án” đó là những lời khuyên mà thầy Hướng nhắn nhủ tới các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10.
Trong khi đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, bài thi trắc nghiệm có lợi thế là thí sinh không phải trình bày dài dòng mà chỉ cần chọn lựa đáp án trong những phương án đề bài đưa ra.
“Nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản và khả năng loại trừ những phương án nhiễu các em rất dễ mất điểm “oan”, đặc biệt ở những câu hỏi chọn mốc thời gian và sự kiện.
Thậm chí, qua nhiều kì thi cho thấy rất nhiều trường hợp thí sinh “dính” điểm liệt vì… khoanh lụi”, cô Tuyết Trinh lưu ý.
Thấu hiểu những băn khoăn của học sinh, cô Tuyết Trinh đã bật mí 5 cách học về mốc thời gian và sự kiện để các em có thể lựa chọn cho phù hợp với bản thân.
Cách 1: Luôn đặt sự kiện vào trong một diễn biến tổng thể, không ghi nhớ sự kiện một cách rời rạc.
Cách 2: Luôn tìm các “từ khóa” cho sự kiện hoặc nội dung kiến thức, từ “từ khóa” đó để nắm được toàn bộ nội dung.
Cách 3: Lập công thức cho một số dạng kiến thức thường gặp.
Ví dụ: Khi trình bày nguyên nhân của một sự kiện sẽ bao gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan luôn đóng vai trò quyết định.
Khi trình bày ý nghĩa của sự kiện luôn là khép lại cái cũ và mở ra cái mới…
Cách 4: Với những nội dung quá nhỏ hoặc quá khó nhớ, học sinh nên sử dụng các flashcard gắn vào những nơi dễ thấy để học và ghi nhớ mọi lúc, mọi nơi.
Cách 5: Gắn các sự kiện lịch sử với sự kiện cá nhân dựa vào một mối liên hệ nào đó.
Ví dụ sinh nhật của em trùng với ngày Giải phóng miền Nam, ngày Quốc khánh…
“Bên cạnh đó, để có kết quả cao, học sinh nên tự rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm Lịch sử như: phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ dễ đến khó... Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng các em cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc”, giáo viên này chia sẻ.