Thầy cô 'nhặt sạn' sách giáo khoa Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Chọn lựa văn bản đưa vào làm ngữ liệu giảng dạy trong trường học vô cùng khó khăn, đòi hỏi tâm sức của tác giả và thầy cô giáo.

Trong dịp chọn sách, nhà trường tổ chức cho toàn bộ tổ Ngữ văn đọc lần lượt các đầu sách Ngữ Văn lớp 6 để cùng trao đổi, bình chọn, gửi kết quả chọn sách về cấp trên.

Khách quan mà nói, bản in thử sách giáo khoa lớp 6 nói chung, sách giáo khoa Ngữ Văn nói riêng, in đẹp, giấy tốt, rất bắt mắt.

Toàn thể triều thần có mặt sao công chúa... thay đồ được?

Trang 36 sách Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của tác giả Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên) Phan Huy Dũng, Phạm Đặng Xuân Hương, Đặng Lưu, Nguyễn Thanh Tùng, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có bài: “Vua chích chòe”.

Cuối bài “Vua chích chòe” có in “Nàng vào thay quần áo, toàn thể triều đình đều có mặt, chúc mừng công chúa kết hôn với Vua chích chòe. Nỗi vui mừng thật sự cũng bắt đầu từ đây.

Tôi tin rằng, tôi và bạn đều có mặt trong lễ cưới”.

Em Hoài An, học sinh lớp 6 đọc xong đã phải thốt lên “Toàn thể triều thần có mặt sao công chúa... thay đồ được?”.

Mà đúng thật, khi thay đồ, ai cũng phải vào phòng riêng, nhà hàng tiệc cưới có phòng dành cho cô dâu thay đồ, chi tiết “Nàng vào thay quần áo, toàn thể triều đình đều có mặt...” quả là bất hợp lý, giáo dục cho trẻ kĩ năng sống như thế e rằng không đúng thực tế, theo thuần phong mĩ tục của nước ta.

Thầy B. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ “Nếu dạy văn bản này, tôi buộc phải sửa lại ngữ liệu này. Phải thay dấu phẩy sau “Nàng vào thay quần áo” bằng dấu chấm mới hợp lý”.

Trang bìa sách Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. (Ảnh chụp màn hình)

Trang bìa sách Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. (Ảnh chụp màn hình)

Người tốt sao lại dùng .... “cô ta” để chỉ?

Trang 48 sách Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của tác giả Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên) Phan Huy Dũng, Phạm Đặng Xuân Hương, Đặng Lưu, Nguyễn Thanh Tùng, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có bài: “Sọ Dừa”.

Trong bài “Sọ Dừa” trang 49 có viết: “Phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị xinh đẹp nhưng kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa, còn cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

Một hôm, cô ta vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von. Cô ta lấy làm lạ, rón rén bước lên, nấp sau bụi cây, rình xem, thì thấy ...”.

Cô giáo D. cho rằng “Cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế, là nguời tốt. Nếu dùng “cô ta” để chỉ “cô út” thì thấy không hợp lý chút nào.

Trong văn bản hiện nay, “cô ta” thường dùng cho một nhân vật mình không thiện cảm, nhân vật không tốt.

Mình đang dạy học sinh sử dụng từ ngữ cho hợp lý, cho đẹp, cho tiếng Việt trở nên đáng yêu hơn.

Nếu có chọn sách này, mình cũng sửa lại ngữ liệu này cho phù hợp, nên thay “cô ta” bằng “cô út” hay “nàng út” để thể hiện sự tôn trọng với người tốt, hướng đến giáo dục học sinh sự tử tế và tôn trọng cái đẹp. Biết dùng từ ngữ hợp lý để tôn vinh cái đẹp, phê bình, không học tập cái xấu”.

Dạy học sinh như thế làm sao... làm chủ cảm xúc, chống bạo lực học đường?

Trang 48 sách Ngữ Văn 6 tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của tác giả Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên) Phan Huy Dũng, Phạm Đặng Xuân Hương, Đặng Lưu, Nguyễn Thanh Tùng, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, có bài tập làm văn “Trích Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể, RƠ-NÊ-GÔ-XI-NHI và GIĂNG XĂNG – PÊ.

Trang 65 có viết “Điều này khiến bố tôi phật ý.

[...] Vì tôi thấy bố không bằng lòng nên tôi muốn bênh bố, tôi bèn nói với ông Blê-đúc rằng có hàng đống Ban-dắc ở trong bố. Thế là bố đã vẩy mực vào ca-vát của ông Blê-đúc.

Ông Blê-đúc rất tức giận”.

Cô Nh. đọc xong thở dài, ngao ngán. “Văn bản này không có tính giáo dục.

Thứ nhất, dạy học sinh không lý trí, phân biệt đúng sai, chỉ cần người khác không khen bố mình là bênh vực bố. Nếu sau này cô giáo không khen mình, không khen người thân của mình mà sự thật không đáng khen thì sao?

Thứ hai, học sinh đi học về làm bài tập, chưa suy nghĩ, chưa tự làm đã đưa bố làm thay. Điều này sẽ làm cho học sinh học theo, nhờ bố mẹ, anh chị học thay, thiếu tinh thần tự học.

Buồn hơn, chính là hình ảnh bất lịch sự, phản cảm của ông bố vẩy mực vào cà vạt của người muốn giúp đỡ con mình, nói thật về con mình, không khen con mình.

Ngữ cảnh này rất tường đồng với lớp học. Nếu giáo viên yêu cầu đánh giá bạn, học sinh không dám nói thật, sợ bị vẩy mực như Blê-đúc thì làm sao?

Hoặc giả khi giáo viên yêu cầu học sinh nhận xét về ý kiến của bạn, bạn không đồng ý với ý kiến của mình, thế là vẩy mực lên áo bạn như hình ảnh “Thế là bố đã vẩy mực vào ca-vát của ông Blê-đúc”.

Dạy học sinh như thế làm sao ... làm chủ cảm xúc, chống bạo lực học đường?

Nếu dạy sách này, tôi sẽ bỏ ngữ liệu này”.

Văn là người, những hình ảnh văn học góp phần giáo dục hành vi của học trò rất nhẹ nhàng, không đao to búa lớn.

Hành vi của nhân vật, ngôn ngữ của văn bản làm nên cái đẹp cho mỗi học trò khi được tiếp xúc với những văn bản đẹp.

Vì thế, chọn lựa văn bản đưa vào làm ngữ liệu giảng dạy trong trường học vô cùng khó khăn, đòi hỏi tâm sức của tác giả và thầy cô giáo.

Sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, thấy không phù hợp với mình, thầy cô có thể thay đổi để có được những tinh hoa cho học trò kết trái nhân cách đẹp sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-co-nhat-san-sach-giao-khoa-ngu-van-6-bo-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-post217120.gd