Thầy cô phải hạnh phúc thì mới lan tỏa được hạnh phúc đến HS, mọi người

Thầy Tùng Lâm bày tỏ mong muốn các nhà giáo đảm nhận công tác tâm lý học đường tiếp tục phát huy nội lực, sự chủ động tích cực để thực hiện công tác này.

Theo các chuyên gia tâm lý, chất lượng cuộc sống phát triển kéo theo áp lực kinh tế và guồng quay công việc tấp nập khiến nhiều phụ huynh không có thời gian để gắn kết, chia sẻ với con, đặc biệt là các gia đình ở đô thị, thành phố lớn.

Theo thống kê năm 2024, khoảng 1/4 học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân đến từ áp lực học hành, những mục tiêu từ gia đình, bạn bè, hay đôi khi do chính các em đặt ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục nhận định, để hoạt động thực sự hiệu quả, công tác tư vấn tâm lý học đường cần được coi trọng và mang tính chuyên nghiệp hơn.

Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề "Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học" tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm với mục tiêu để các chuyên viên tâm lý học đường kết nối, cập nhật kiến thức và cùng nhau tìm ra những giải pháp thiết thực để xây dựng môi trường học đường hạnh phúc và bền vững.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Linh, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà tâm lý học đường trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Linh, các chuyên viên phòng tâm lý học đường không chỉ là người hỗ trợ cá nhân mà còn góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Phân tích những thách thức mà Ban Giám hiệu các nhà trường đang đối mặt trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chuyên viên tư vấn tâm lý như những “vitamin hạnh phúc”. Đây là chất xúc tác giúp gắn kết Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh, từ đó chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Thu Anh cũng đề cao vai trò của hiệu trưởng trong việc hiện thực hóa 12 tiêu chí về trường học hạnh phúc do UNESCO đề xuất. Chỉ khi những tiêu chí này được triển khai đồng bộ, trường học mới thực sự trở thành một môi trường hạnh phúc, nơi mỗi cá nhân đều được tôn trọng, thấu hiểu và phát triển toàn diện.

Tại hội thảo, nhiều giáo viên đã chia sẻ về các hoạt động thực tiễn đã được triển khai tại các trường học ở Hà Nội.

Sau khi lắng nghe các ý kiến chia sẻ, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh lý thuyết sách vở rất nhiều, nhưng thực tế mới là quan trọng. Thầy Tùng Lâm bày tỏ mong muốn các nhà giáo đảm nhận công tác tâm lý học đường tiếp tục phát huy nội lực, sự chủ động tích cực để thực hiện công tác này.

 Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tham dự hội thảo với chủ đề "Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học"

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tham dự hội thảo với chủ đề "Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học"

“Hạnh phúc là rất quan trọng. Các thầy cô phải hạnh phúc thì mới lan tỏa được hạnh phúc đến mọi người. Chúng ta đi “chữa lành” cho các em, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để các em phát triển bản thân. Tham vấn tâm lý học đường phải làm sao để học sinh có thể tự giải quyết được vấn đề bên trong của mình” – Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Tại hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các diễn giả đã giải đáp nhiều câu hỏi thực tiễn về cách triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ tâm lý trong trường học, đồng thời chia sẻ tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục chú trọng hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Hội thảo không chỉ là cơ hội để các nhà tâm lý học đường nâng cao kiến thức và kỹ năng, mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý bền vững trong trường học.

Với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà giáo dục và nhà quản lý, khái niệm “trường học hạnh phúc” không còn là một ý tưởng xa vời mà đang dần trở thành hiện thực – nơi mỗi học sinh được thấu hiểu, an toàn và phát triển toàn diện. Những kết quả đạt được từ hội thảo sẽ là nền tảng để lan tỏa mô hình hoạt động của cộng đồng nhà tư vấn tâm lý học đường Hà Nội đến các tỉnh thành trên cả nước, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường ở Việt Nam.

Minh Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-co-phai-hanh-phuc-thi-moi-lan-toa-duoc-hanh-phuc-den-hs-moi-nguoi-post250303.gd