Thầy cô sát cánh bên học sinh 'cả nhà nhiễm Covid-19'
Khi hỏi về trường hợp một học sinh bị nhiễm Covid-19 đi cách ly 'chẳng mang thứ gì', cô giáo Nguyễn Thị Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Hương Sơn (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, hoàn cảnh học sinh khá éo le.
Mẹ học sinh là bệnh nhân Covid-19 đi cách ly tập trung, nên không thể chăm sóc chu đáo cho con. Tiếp sau đó, bố em cũng có kết quả nhiễm Covid-19.
Khi cô giáo nhắn tin hỏi mẹ học sinh, con ở đó có thiếu thốn gì không, phụ huynh không nhắn lại. Cô lại hỏi lại lần nữa, thì mới nhận được tin nhắn phụ huynh nhờ cô giáo mua giúp con 2 bộ quần áo cộc, hai cái chiếu, màn, muối cho con súc miệng.
“Như vậy tức là con không mang gì theo, thương quá, tôi bèn gọi điện cho lãnh đạo nhà trường và nhắn tin lên mạng, nhóm của lớp xin trợ giúp”, cô Lương nói.
Một học sinh đi cách ly ở Trường Tiểu học Hương Sơn. Ảnh: Cô giáo Xuân Hoa
Cuối cùng với số tiền 3 triệu đồng, cô giáo nhờ người mua giúp quần áo, đồ dùng cho em.
“Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, là thầy cô thì ai cũng sẽ hành động như tôi thôi. Là thầy cô, thương học trò lắm. Sự việc cũng không có gì đáng nói. Chỉ mong sao em và gia đình mau khỏi bệnh”, cô nói.
Gửi con nhỏ, đi nấu cơm tiếp tế khu cách ly từ 5h sáng
Cô giáo Lâm Thị Hiếu, Trường Mầm non Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang đã nhiều ngày nay, cứ đúng 4h30 sáng lại đến khu cách ly Covid-19 cách nhà 8km để nấu cơm tiếp tế cho khu cách ly.
Cô Hiếu chia sẻ, ngay khi nhà trường phát động, tôi đã xung phong ngay. Tôi không phải nhân viên y tế, nhưng rất muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc đẩy lùi Covid-19.
Cô Hiếu chồng làm nghề lái xe đường dài, do khu vực nhà ở đã bị cách ly nên chồng cô không về nhà được. Để có thể đi nấu cơm tình nguyện, cô phải gửi con nhỏ cho bà ngoại trông giúp.
Cùng với cô Hiếu, còn có 3 cô giáo khác. Trong đó, có một cô cũng phải gửi một con về bà nội, một con về bà ngoại trông giúp. Thế nhưng, sao đó bà nội lại trở thành F1 phải đi cách ly tập trung.
Cô Hiếu chia sẻ, mới đầu, cô đã xin đi cách ly tập trung cùng mọi người trong 21 ngày để tiện nấu nướng tiếp tế luôn, nhưng cuối cùng Ban chỉ đạo lại quyết định để các cô vẫn được ở nhà, đồ ăn được nấu nướng ở ngoài, sau đó tiếp tế vào. Ngày nấu ba bữa sáng, trưa, chiều, cô cùng các đồng nghiệp cố gắng chế biến, nấu những món ngon, đủ dinh dưỡng để động viên, tiếp sức mọi người.
Nhiều câu chuyện xúc động
Ông Đặng Thiều Quang, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lạng Giang chia sẻ, rất nhiều thầy cô giáo của huyện đã không quản ngại khó khăn, gạt đi những lo sợ về dịch bệnh để tích cực hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở các chốt phong tỏa, trong các khu cách ly tập trung.
Có một số thầy cô giáo đã xung phong tham gia vào tổ quản lý khu cách ly để hỗ trợ người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ phải cách ly tập trung.
Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào công tác truy vết, thống kê, báo cáo phòng chống dịch và tham gia tổ đi lấy máu xét nghiệm.
Ngoài ra mỗi trường đều cử người đến các trạm y tế xã để hỗ trợ cập nhật dữ liệu.
Các cô giáo mầm non đã làm được hơn 5.620 mũ chắn giọt bắn để tặng cho các chốt cách ly, các trạm y tế, các khu cách ly tập trung, các tổ bầu cử.
Các trường trong xã, thị trấn đều cắt cử giáo viên, nhân viên của trường tham gia nấu cơm; quyên góp kinh phí, hiện vật, rau củ quả hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch.
Bất kể ngày đêm, khi cần là các trường vào cuộc ngay lập tức. Vào lúc 20 giờ, ngày 10/5/2021, nhận sự chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Lạng Giang, ông Quang đã thông báo ngay cho Trường MN Mỹ Thái huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường thu dọn, sắp xếp, chuẩn bị cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu trở thành khu cách ly các ca F1.
Mặc dù thời điểm đó đang xảy ra mưa và gió lớn, nhưng đến đến 22 giờ 30 cùng ngày đã có 22/22 trường mầm non với 268 phòng, 2.750 giường được thu xếp gọn gàng, sạch sẽ, phun khủ khuấn, kê giát giường, cho mượn vật dụng nhà bếp phục vụ khu các ly để bàn giao cho bộ phận chuyên môn, sẵn sàng đón các trường hợp phải cách ly tập trung nếu dịch bệnh lan rộng.
“Những đóng góp nói trên của đội ngành giáo dục còn hết sức nhỏ bé, so với những sự hy sinh, vất vả của đội ngũ y bác sỹ, các chiến sĩ công an, bộ đội, lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Song hy vọng đó cũng là sự động viên kịp thời, góp sức cùng cả xã hội đẩy lùi dịch Covid- 19, cho các em học sinh sớm được đến trường”, ông Quang chia sẻ.
Cô giáo Lê Thị Xuân Hoa, Giáo viên chủ nhiệm lớp 5E, Trường Tiểu học Lương Sơn chia sẻ, khi nghe tin nhân viên y tế thông báo lớp cô có một học sinh mắc Covid-19, cô run rẩy, không cầm nổi cốc nước.
Lo cho bản thân chỉ một phần, cô chủ yếu, lo mấy chục học sinh đi cách ly tập trung sẽ thế nào. Các em còn nhỏ, chưa ý thức được dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên không thực hiện đúng về quy định phòng chống dịch, như tháo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách…. Những lúc như vậy, các cô giáo lại phải nhắc nhở các em.
Khi mới đi cách ly, các em nhớ nhà không ngủ được, các cô giáo thay nhau dỗ dành. “Cách đây mấy hôm, mưa lớn, tôi đi kiểm tra phòng các em, thấy một em không ngủ, ra ngồi một mình ngoài cửa, mặc áo trùm mũ kín mít. Tôi hỏi, em nói em nhớ nhà. Thương lắm”, cô Hoa chia sẻ.