Thầy cô tận tâm ôn luyện cho học sinh

Năm nay là năm cuối học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Để hỗ trợ cho học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi, công tác ôn tập tại các địa phương có nhiều lưu ý khác so với mọi năm.

Phân loại nhóm năng lực học sinh, hỗ trợ tối đa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28.6 với khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Các trường học đang tăng tốc ôn tập, hỗ trợ tối đa về mọi mặt cho học sinh lớp 12 chuẩn bị tham dự kỳ thi.

Giờ ôn tập môn Toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng

Giờ ôn tập môn Toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng

Tại Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa), ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, các thầy cô giáo bộ môn đã xây dựng và đăng tải các video phân tích đề thi lên mạng xã hội để học sinh nghiên cứu trong suốt thời gian ôn tập. Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Quảng Xương 1 có hơn 500 học sinh lớp 12. Theo Phó Hiệu trưởng Đỗ Thị Mỹ, thời điểm này, ngoài ôn tập chính khóa, nhà trường cũng phân loại học sinh học bổ trợ sau giờ chính khóa. Tất cả các tiết học bổ trợ đều miễn phí.

Nhằm cho học sinh làm quen với cách thức thi và cách làm bài thi tốt nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình tổ chức thi thử 2 lần cho học sinh lớp 12 bằng đề chung của Sở (cấu trúc và nội dung bám sát đề thi các năm của Bộ và đề tham khảo năm 2024). Căn cứ và kết quả các lần thi thử, các trường giao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy phân tích đánh giá bài của từng học sinh để tiếp tục bồi dưỡng. Đối với những học sinh điểm thi thử thấp, giáo viên tăng cường thời gian hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng nội dung ôn phù hợp, luyện các kĩ năng làm bài để cải thiện điểm, vượt qua ngưỡng điểm liệt và đáp ứng đủ điểm tốt nghiệp.

Tại Trường THPT Quế Phong (Nghệ An), công tác ôn tập, hỗ trợ cho 553 học sinh cuối cấp đang được triển khai quyết liệt. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Tư, với hơn 95% học sinh dân tộc thiểu số, xuất phát điểm thấp, nên ngay từ đầu năm học lớp 12, nhà trường đã phân loại nhóm năng lực của học trò để dạy và học. Nhà trường chủ động xây dựng nội dung ôn tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, giàu kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy, ôn luyện và củng cố kiến thức cho học sinh.

Còn tại Đồng Tháp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thúy Hà cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở phạm vi cấp trường và các tổ chuyên môn để có định hướng dạy học, ôn tập phù hợp. Khi tổ chức rút kinh nghiệm, tập trung phân tích các nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý, điều hành của ban lãnh đạo nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn; công tác dạy học, ôn tập, quản lý lớp của giáo viên; sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn hội, Ban Đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh… Cuối cùng, các đơn vị phải đưa ra được những việc cần phải làm và giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhận thức rõ vị trí “bản lề” của kỳ thi năm nay

Kết quả kì thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Đồng Tháp những năm gần đây đều đạt mức cao. Năm 2023, hơn 72% số trường THPT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%; hệ giáo dục phổ thông chỉ có 0,17%, hệ GDTX có 0,57% học sinh không đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thúy Hà, năm 2024 là năm cuối thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, những em không đỗ tốt nghiệp sẽ gặp khó khăn nhất định nếu tiếp tục tham gia kỳ thi năm sau.

Với quan điểm “không bỏ rơi học sinh nào”, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh không đỗ tốt nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tính chất quan trọng, vị trí “bản lề” của kỳ thi năm nay; giúp học sinh, phụ huynh hình dung ra được những khó khăn nếu phải tham gia kỳ thi năm sau…

Lãnh đạo các đơn vị phải nắm được danh sách học sinh có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp, quản lý chặt chẽ thời gian ôn tập, theo dõi sát sao tình hình học tập của các em để phối hợp giải pháp đồng bộ, giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Cũng xác định tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với lứa học sinh lớp 12 năm nay, thầy Nguyễn Hồng Tư cho biết, bên cạnh công tác ôn tập, nhà trường cập nhật thông tin tình hình học tập hàng ngày đến cha mẹ học sinh, đề nghị phụ huynh phối hợp, hỗ trợ, nhắc nhở ý thức ôn luyện của con em mình. “Chỉ còn hơn 2 tháng để ôn luyện cho kỳ thi cuối theo chương trình phổ thông 2006, chúng tôi trao đổi, chia sẻ mong phụ huynh quan tâm tới con nhiều hơn. Nhiều phụ huynh đồng thuận, nhờ đó mà các em cũng có chuyển biến rõ nét trong học tập”, thầy Tư bộc bạch.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức phát động phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, để hạn chế tối đa học sinh "trượt" tốt nghiệp, sau đó nâng vị trí xếp hạng của Nghệ An tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lên vị trí từ thứ 15 - 18 trên cả nước, các nhà trường tại Nghệ An đã xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bàn cho từng nội dung khác nhau.

Việc dạy và học tại các trường ở Nghệ An bảo đảm đúng đối tượng và tạo được khí thế học tập cho từng học sinh, nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo cũng đang nỗ lực, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tận tâm, tận tụy với học trò. Mỗi bộ môn lồng ghép từ lý thuyết tới thực tiễn. Đây là cách thức hiệu quả để học sinh có thể vừa nắm vững kiến thức vừa có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhip-cau-giao-duc/thay-co-tan-tam-on-luyen-cho-hoc-sinh-i366613/