Thầy cô Trường tiểu học Lĩnh Nam tặng 80 suất quà cho học sinh ở địa đầu Tổ quốc
Thầy cô giáo Trường tiểu học Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhân lên ngọn lửa của tình thương để giúp đỡ cho học sinh, nhân dân địa đầu tổ quốc Hà Giang.
Từ bao đời nay, bên cạnh tinh thần yêu nước, tình yêu thương cũng là một trong những sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa những con người Việt Nam cùng mang trong tim “dòng máu lạc Hồng”.
Ông cha ta cũng đã từng khẳng định điều này thông qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
Sự đùm bọc giữa con người với con người thường được thể hiện qua rất nhiều hành động khác nhau.
Đó có thể là những việc làm, nghĩa cử hết sức cao đẹp như cứu sống tính mạng của người khác hay giúp đỡ người khác vượt qua những nguy hiểm, khó khăn....
Đó cũng có thể là những hành động hết sức giản đơn như giúp đỡ một cụ già qua đường, hay lắng nghe, sẻ chia, quan tâm, từ đó thấu hiểu, động viên, truyền thêm sức mạnh để người khác vượt qua khó khăn...
Dù khác nhau ở hành động nhưng những điều đó đều hết sức cao đẹp và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cho thấy sức mạnh kì diệu của tình yêu thương.
Truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta đã được các thầy cô giáo Trường tiểu học Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện thực hóa hoạt động thiện nguyện bằng hành trình giúp đỡ, tặng quà cho học sinh và nhân dân huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Vị Xuyên là huyện miền núi biên giới phía bắc Việt Nam, nằm bao quanh thành phố Hà Giang, có quốc lộ 4C và quốc lộ 2 chạy qua.
Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Hà Giang.
Cô Ngô Thị Bình, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội có chia sẻ về chuyến đi:
“Đoàn của trường đi lên Hà Giang gồm có 12 thầy cô giáo. Vì điểm trường xa, đường xấu, dốc, chỉ xe 16 chỗ mới vào được nên không thể đi xe to, đông người hơn và cũng chỉ chở tối đa được 12 người.
Nguồn kinh phí phục vụ cho chuyến đi về với học sinh và nhân dân huyện Vị Xuyên là từ tiền cá nhân của mỗi giáo viên nhà trường, tính tổng được khoảng 25 triệu đồng.
Bao nhiêu mệt nhọc, gian nan, vất vả vì đường xá xa xôi bỗng chốc tan biến trong tôi cũng như các thành viên trong đoàn hết khi được tiếp xúc, giao lưu và tặng quà cho 80 học sinh tại điểm trường Hồng Minh, Trường tiểu học Tùng Bá A của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tôi chỉ mong sao những phần quà của chúng tôi mang đến sẽ giúp được phần nào các em học sinh nơi đây chuẩn bị cho năm học mới được tốt hơn như: quần áo đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, cùng nhiều bánh kẹo, sữa...”.
Trong chuyến hành trình về biên cương Hà Giang, để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh biên giới phía Bắc“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, các thầy cô giáo đã đến dâng hương tại nhiều địa điểm có ý nghĩa lịch sử như:
Nghĩa trang Vị Xuyên nơi có hơn 4.000 ngôi mộ liệt sỹ, Đài hương 468 tưởng niệm 600 liệt sỹ đã hy sinh cùng ngày 12/7/1984, căn cứ địa chiến đấu của đoàn 312.
Hành trình “Tháng Tám biên cương” được tô thắm thêm sắc màu tình nghĩa khi các thầy cô giáo đến thăm Đoàn kinh tế quốc phòng 313, quân khu 2 đóng trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Năm học mới 2019 - 2020 đã tới, hoạt động của thầy cô giáo Trường tiểu học Lĩnh Nam như tiếp thêm sức mạnh để các thầy cô giáo và các em học sinh nơi địa đầu Tổ quốc của tỉnh Hà Giang có thêm quyết tâm học tập, lao động và cống hiến cho đất nước.
Chia sẻ về cảm xúc sau chuyến hành trình về miền biên cương, cô giáo Bình chia sẻ thêm:
“Hành trình đã kết thúc nhưng tiếng gọi của cuộc hành trình sẽ mãi mãi vang vọng, những ánh mắt thơ ngây và nụ cười con trẻ, những mái nhà liêu xiêu cùng lớp học đang thiếu thốn mọi bề, tấm lòng chân tình vượt qua gian khó của các thầy cô giáo và chiến sỹ biên cương nơi đó như nhắc nhở chúng tôi ngày trở lại.
Tôi cũng đã thấy các chiến sỹ ở Hà Giang cũng rất xúc động và bất ngờ khi được nghe bức thư, xem những bức tranh mà học sinh Trường tiểu học Lĩnh Nam gửi tặng.
Tôi và các thành viên trong đoàn cảm thấy vô cùng biết ơn và thấu hiểu khi được nghe kể về những công việc của người chiến sỹ nơi biên cương đang giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu trong thời bình, nếu có chiến tranh các anh lại tiếp tục vững chắc tay súng để bảo vệ biên cương...”.
Như vậy, để phát huy sức mạnh của tình yêu thương, chúng ta cần biết quan tâm, đồng cảm, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, nguy hiểm, giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Đồng thời, hoạt động của Trường tiểu học Lĩnh Nam đã nhân lên ngọn lửa của tình thương, tạo ra hơi ấm và lan truyền hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội rằng mỗi cá nhân, tập thể cần tích cực tham gia vào các phong trào quyên góp, ủng hộ và cùng nhau cụ thể hóa, hiện thực hóa giá trị nhân văn cao đẹp để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.