Thay đổi bước ngoặt của Thủy quân lục chiến Mỹ nhắm tới Trung Quốc
Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger tháng 8/2019 công bố bản hướng dẫn về thiết kế, bố trí lực lượng mới cho binh chủng này.
Bản hướng dẫn của ông Berger đánh dấu sự thay đổi sâu rộng về trọng tâm của binh chủng này, chuyển từ chiến đấu trực diện trên bộ, chẳng hạn chống khủng bố ở Trung Đông, sang “cạnh tranh ở mức ngang bằng, giữa các nước lớn, nhấn mạnh vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Ông Berger cho biết sự thay đổi này mang tính bao trùm, “từ chiến đấu nội địa sang chiến đấu bờ biển, từ kẻ địch không phải nhà nước sang những đối thủ ngang bằng”. Kế hoạch đặt ra là giảm đồng loạt số lượng các đơn vị như xe tăng, pháo, bộ binh, trực thăng.
Bản thân lực lượng Thủy quân lục chiến cũng sẽ bị cắt giảm khoảng 12.000 quân nhân trong 10 năm.
Không chỉ là chiến lược mới, đây còn là hẳn một khái niệm chiến đấu mới, cắt giảm cấu trúc hiện tại, để đẩy mạnh hơn “hỏa lực chính xác từ xa, khả năng do thám cao cấp, các hệ thống tự lái và mạng lưới bảo mật”.
Khái niệm tác chiến mới hoàn toàn
Ông Berger tỏ ra quyết tâm với ý tưởng của mình. Ông yêu cầu các bên tham gia cuộc tập trận gần đây phải ký hợp đồng giữ bí mật, và hủy bỏ một buổi tập chiến đấu trong thành phố.
Thay vào đó, Thủy quân lục chiến này sẽ tập trung xây dựng Trung đoàn Thủy quân lục chiến Ven biển (MLR), có khả năng hoạt động trên các đảo nhỏ của đối phương ở Thái Bình Dương.
Đơn vị MLR này sẽ “phân tán, di chuyển linh hoạt và liên tục”, và sẽ được đưa đi chiến đấu bởi tàu đổ bộ. Như vậy, ý tưởng của ông Berger đang giống những đơn vị của Hải quân.
Hướng dẫn của ông Berger có những lời khen ngợi ban đầu. Chẳng hạn, một chuyên gia bố trí lực lượng của Lục quân Mỹ nói “đây là một trong những tài liệu được viết cẩn thận nhất từ Lầu Năm Góc lâu nay”.
“Tôi nghĩ ông Berger đã dũng cảm đưa binh chủng của ông đi theo hướng mà họ nên đi, khi chúng ta bước vào giai đoạn cạnh tranh nước lớn”, tiến sĩ James Lacey, một chiến lược gia uy tín về quân sự, nói với Business Insider.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý. James Webb, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ, viết trên National Interest rằng tướng Berger đang bỏ đi hai thế kỷ kinh nghiệm và bài học, vốn đã định hướng cho Thủy quân lục chiến qua những thời kỳ khó khăn nhất.
Tương tự, tiến sĩ Williamson Murray, một trong những nhà tư tưởng uy tín nhất về quốc phòng của Mỹ, nói rằng hướng dẫn của ông Berger để lại nhiều dấu hỏi, thiếu đi các chi tiết quan trọng, muốn cắt giảm lực lượng quá nhiều, và không giải đáp được các thách thức về chiến lược.
Ông cũng nói kế hoạch của ông Berger cần linh hoạt hơn, vì đang đặt mọi mục tiêu là nhắm đến Trung Quốc. “Nhưng lịch sử dạy chúng ta là kẻ địch mà chúng ta gặp phải hiếm khi là kẻ địch mà chúng ta đã lên kế hoạch”.
Kế hoạch có được Hải quân hỗ trợ?
Ông Murray cũng chỉ ra rằng kế hoạch này cần được Hải quân hỗ trợ đáng kể, và phản ứng từ Hải quân vẫn chưa mang tính hoan nghênh.
Một chiến lược gia giấu tên nói cách tiếp cận của Hải quân khác với ông Berger. Theo vị này, Hải quân không ưu tiên quá nhiều vào chiến lược, mà ưu tiên làm sao để mua được nhiều nhất có thể các loại tàu dựa trên các mẫu hiện hành, chẳng hạn các tàu sân bay lớn, trong khi Thủy quân lục chiến của ông Berger lại muốn từ bỏ các tàu lớn.
Hải quân Mỹ và Lục quân Mỹ đã chuyển hướng sang châu Á từ nhiều năm nay. Trong nhiều thập kỷ, không gian tác chiến của hai binh chủng này không bị thách thức, nhưng dần dần, điều này không còn đúng nữa do sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Chiến đấu giáp lá cà là thứ của quá khứ”, đại tá Lục quân Mỹ đã về hưu Kevin Benson, một trong những chiến lược gia hàng đầu, nói.
“Chỉ cần biết bạn ở đâu, kẻ địch đã có thể giết bạn. Chúng ta sống trong thời đại vũ khí siêu thanh và các đơn vị kết nối bằng vệ tinh... Bạn phải dội hỏa lực vào kẻ địch nhanh hơn chúng có thể đáp trả. Hướng dẫn của ông Berger không hoàn chỉnh, nhưng đó là điều mà ông đang nhắm đến”.
Ý tưởng của ông Berger cũng liên quan đến thực tế này. “Việc Trung Quốc mở rộng năng lực chống tiếp cận, cùng với việc xoay trục ra biển... đã thay đổi căn bản môi trường mà quân Mỹ sẽ hoạt động trong tương lai”, ông Berger viết trên trang War on the Rocks tháng 12/2019. “Lần đầu tiên trong cả một thế hệ, kiểm soát trên biển không còn là đặc quyền của Mỹ”.
Theo ông, để giải quyết điều đó, Thủy quân lục chiến sẽ triển khai “các hệ thống trên không và trên bộ chi phí thấp, có tính sát thương, các thiết bị tầm xa tự lái, các hệ thống rocket di chuyển nhanh, hỏa lực chính xác tầm xa, vũ khí cảm tử lưu động... hệ thống phòng thủ trên không di động, chống vũ khí dẫn đường, chiến tranh điện tử, kiểm soát mã hóa và sân bay lưu động”.
Xu hướng tương lai hay động cơ chính trị?
Nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc hoài nghi động cơ đằng sau ý tưởng của ông Berger.
Họ cho rằng ông Berger đang muốn có vũ khí mới, đổi lại cho việc giảm lực lượng. Bản thân Thủy quân lục chiến đang bị “chững lại”, gặp khó khăn hơn trong việc tuyển quân và khó xin thêm ngân sách.
Đồng thời việc nêu đối thủ là Trung Quốc cũng có thể là lý do mà Thủy quân lục chiến đưa ra để có thêm nguồn lực hỗ trợ, những người chỉ trích nhận xét.
Business Insider bình luận rằng những người ủng hộ ông Berger coi ý tưởng của ông mang tính thay đổi, còn những người phê phán lại coi đó là điểm yếu, tức ý tưởng của ông “thay đổi quá”, sẽ gây ra gián đoạn quá mức.
Ý tưởng của ông cũng dẫn tới nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, nếu ông Berger đúng, là có thể cắt giảm quân số mà vẫn đạt mục tiêu về chiến lược, vì sao Lục quân, Hải quân và Không quân không làm tương tự?
“Nếu kế hoạch của ông Berger là xu hướng tương lai, thì chẳng lẽ Lục quân, Hải quân và Không quân lại bị kẹt ở quá khứ?”, một cựu binh Thủy quân lục chiến từng chiến đấu ở Afghanistan nói.
Chẳng hạn, nếu tàu sân bay đang trở nên mong manh hơn, vì sao vẫn phải tiếp tục đóng mới tàu san bay?
“Hải quân cũng cần phải cho biết quan điểm”, người này nói. “Văn phòng của ông Berger cũng cùng một hành lang với người đứng đầu hoạt động Hải quân. Nếu muốn biết Hải quân đang suy tính thế nào, ông chỉ cần bước tới văn phòng và hỏi họ”.