Thay đổi cách làm để đưa thịt heo Việt ra thế giới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt heo Việt Nam, các doanh nghiệp cần thay đổi cách nghĩ, cách làm…
Ngày 27-7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy chăn nuôi heo trong tình hình mới. Tại hội nghị, nhiều thông tin về giá heo, định hướng phát triển ngành hàng trong thời gian tới đã được bộ này đưa ra.
Giá heo đang ở mức cao nhất từ đầu năm
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, từ cuối tháng 4 đến nay, giá heo hơi đã tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm mạnh. Mức tăng mạnh nhất phải kể từ tháng 6, giá heo hơi dao động 58.000-63.000 đồng/kg, tăng so với tháng 5 1.000-4.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 6, giá heo hơi trên cả nước tăng khoảng 12% so với đầu năm 2023 và tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát năm đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Bước sang tháng 7, giá heo hơi tiếp tục tăng, có tỉnh đạt ngưỡng 68.000 đồng/kg. Giá trung bình đến ngày 22-7 dao động 63.000-66.000 đồng/kg ở miền Bắc; 60.000-62.000 đồng/kg ở miền Trung và 60.000 đồng/kg ở miền Nam. Đây được coi là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay. Người chăn nuôi có lãi, mạnh dạn tái đàn, tăng đàn để chuẩn bị nguồn cung thịt heo cho dịp cuối năm, tết Nguyên đán.
Thế nhưng liệu chuỗi ngày giá heo tăng có kéo dài được lâu? Bởi thời điểm này năm ngoái, giá heo cũng ở mức cao đỉnh điểm, có lúc lên 73.000 đồng/kg heo hơi. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, giá lại giảm sâu, kéo dài đà giảm cho đến tận ba tháng đầu năm 2023.
Ông Phạm Kim Đăng, Cục phó Cục Chăn nuôi, thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi heo hiện nay. Đó là chăn nuôi heo vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70% chi phí sản xuất nhưng trong nước mới chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu, còn lại đến 65% phải nhập khẩu. Chi phí sản xuất cao khiến sản phẩm chăn nuôi không còn sức cạnh tranh.
Trong khi đó, Việt Nam (VN) đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tự do được ký kết. Các sản phẩm chăn nuôi sẽ tiếp tục được nhập khẩu vào VN, gây áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Năm 2022, VN đã nhập 114.123 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 249,35 triệu USD. Sáu tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thịt heo đạt hơn 41.000 tấn.
Ở chiều xuất khẩu, dù VN đứng thứ sáu trong số các nước có thị phần sản lượng thịt heo cao nhất thế giới nhưng tỉ lệ xuất khẩu thịt heo còn rất hạn chế. Năm 2022, VN mới xuất được 409 triệu USD, sáu tháng đầu năm nay xuất được 232 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Nâng cao sức cạnh tranh cho thịt heo Việt
Theo Bộ NN&PTNT, hiện sản phẩm chế biến thịt heo của VN mới ở giá trị gia tăng thấp, với mức độ đơn giản, sơ chế chiếm 80%-85%. Còn các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như thịt hun khói, giăm bông, xúc xích... chỉ chiếm khoảng 15%-20%. Sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát chiếm khoảng 10%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Tôi khẳng định tiềm năng, lợi thế của ngành chăn nuôi còn rất lớn nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu… Căn cốt nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, nâng cao mức tiêu thụ”.
Theo ông Tiến, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt heo VN, các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi cách nghĩ, cách làm. Các DN không nên chỉ nghĩ phục vụ thị trường trong nước mà phải đầu tư chế biến, chế biến sâu để gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường ngoài nước.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, các DN cần tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Hiện nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta là rất lớn. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế nên hằng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu, chủ yếu là phụ phẩm trồng trọt.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nên giá thành phẩm cũng tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2023, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhưng so với cùng kỳ năm 2022 vẫn cao hơn 1,1%-2,1% và cao hơn 41,5%-55,7% so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
“Chẳng lẽ chúng ta lại cứ nhập khẩu ngô và đậu tương mãi? Tôi đề nghị Cục Chăn nuôi chủ trì, bàn với các DN lớn xem hướng giải quyết ra sao, chứ không thể cứ “ăn đong” nguyên liệu thức ăn như thế này, trong khi thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Thêm nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi heo
Theo Bộ NN&PTNT, chăn nuôi heo ở VN được xác định là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Các DN chăn nuôi lớn trong nước như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát... và các DN đầu tư nước ngoài (FDI) như CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest... tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Thống kê năm 2022 có 81 DN FDI đầu tư vào chăn nuôi với tổng số vốn 2,2 tỉ USD, chiếm 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào VN.
Ước tính tổng đàn heo của cả nước hiện nay vào khoảng 26 triệu con, tăng khoảng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-cach-lam-de-dua-thit-heo-viet-ra-the-gioi-post744275.html