Thay đổi căn bản văn hóa ứng xử nơi công sở
Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã được ban hành gần 4 năm. Cùng với việc thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy tắc ứng xử, các quận, huyện, phường, xã tại Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình sáng tạo nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, hướng tới sự hài lòng của người dân. Từ những mô hình này, văn hóa ứng xử giữa cán bộ và người dân đang dần thay đổi, nền hành chính vì dân đang dần rõ nét.
Quy tắc ứng xử nơi công sở đã đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng nền hành chính vì dân. Ảnh: Đỗ Tâm
Lấy sự hài lòng làm thước đo
Sau khi ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố vào cuối tháng 1-2017, Thành phố Hà Nội đã triển khai rất nhiều phần việc để nhanh chóng đưa các quy định này vào cuộc sống. Đặc biệt, bên cạnh hệ thống văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, nhiều quận, huyện đã xây dựng mô hình sáng tạo để cán bộ, công chức Hà Nội nắm rõ nội dung của Quy tắc, tạo sự đột phá về lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phòng chống các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu...
Với mục đích xây dựng một chính quyền thân thiện, công sở thân thiện, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn, từ năm 2017 đến nay, xã Minh Cường (huyện Thường Tín) đã có nhiều bước đột phá trong cải cách hành chính. Nói về mô hình “Chính quyền thân thiện”, “Công sở thân thiện” của xã mình, chị Nguyễn Thị Vân (thôn Khôn Thôn) kể: Sau 5 ngày đăng ký khai sinh cho con, gia đình chị khá bất ngờ khi có một đoàn cán bộ do Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn tới tận nhà trao giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó, gia đình chị còn được nhận một món quà nhỏ kèm theo lá thư với lời chúc: “Chúc con trở thành một công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội”.
Chị Vũ Thị Kiều Nga cũng bày tỏ sự phấn khởi khi đến làm thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa” của UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên). Ấn tượng với mô hình “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết thủ tục hành chính thân thiện, gần dân”, chị kể rằng chị thấy rất thoải mái bởi không gian ở đây được bài trí vừa trang trọng vừa gần gũi, có khu vực riêng để đăng nhập thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ở đó có máy tính, máy scan, wifi miễn phí, các mẫu hướng dẫn cách viết tờ khai, sổ và hòm thư góp ý, có chuông hỗ trợ khi cần giúp đỡ, bảng hướng dẫn đăng nhập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến và cán bộ kiêm nhiệm trực tiếp giúp công dân thực hiện các thao tác...
Năm 2020 cũng là năm thành công về công tác cải cách hành chính của huyện Chương Mỹ, bởi địa phương đã thí điểm thành công mô hình “Một cửa” hiện đại, thân thiện, gần dân tại thị trấn Xuân Mai. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: “Để các thủ tục hành chính được giải quyết trôi chảy, hằng ngày UBND thị trấn Xuân Mai phân công luân phiên một đồng chí lãnh đạo trực, ký, giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa”, bảo đảm các hồ sơ về hộ tịch, chứng thực được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả ngay cho công dân”.
Đặc biệt, nhắc đến mô hình “chính quyền thân thiện” không thể không nhắc đến quận Nam Từ Liêm, quận đầu tiên tại Hà Nội triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Hiện nay, UBND quận Nam Từ Liêm và các phường trực thuộc đều xác định phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn), "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), "3 không" (không chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà nhân dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần)...
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại bộ phận "một cửa" huyện Thanh Trì. Ảnh: Đỗ Tâm
Hướng tới nền hành chính vì dân
Công tác xây dựng “chính quyền thân thiện” luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra và xác định là công tác quan trọng. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đảng ta đã đề ra giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, trong đó đáng chú ý có nội dung: Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày 16-7-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu bộ máy chính quyền phải “Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân”.
Đặc biệt, năm 2017, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố với mục đích xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện’’. Đây được coi là bước đột phá trong hành trình kiến tạo “chính quyền thân thiện” khi văn hóa ứng xử của công chức với người dân được đặc biệt coi trọng, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cũng liên quan đến chuyện “ứng xử”, năm 2019, thành phố Hà Nội phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Phong trào này đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách người Thủ đô.
Chính vì thế, việc hình thành các mô hình “chính quyền thân thiện” tại các quận, huyện, phường, xã là một bước cụ thể hóa những nghị quyết, quy định, Quy tắc ứng xử vào thực tế cuộc sống, làm cho văn hóa ứng xử nơi công sở “ăn sâu bén rễ" trong đời sống. Sự chuyển biến tích cực về văn hóa ứng xử nơi công sở trong thời gian qua đã khẳng định, mô hình "chính quyền thân thiện" đã tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Người dân không còn ngại đến cơ quan hành chính, nơi không ít thời điểm bị tiếng “hành là chính”. Thái độ niềm nở, thân thiện của đội ngũ "công bộc của dân" đã trở thành thường trực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, khẳng định: “Những mô hình "chính quyền thân thiện" đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân. Đây là tín hiệu vui, cho thấy nỗ lực của thành phố Hà Nội nhằm xây dựng một chính quyền gần dân, vì dân đã được nhân dân đánh giá khá cao. Cụ thể, những năm gần đây, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước luôn ở mức cao (trên 80%). Chính vì thế, thời gian tới chúng ta không chỉ phát huy mà còn nên nhân rộng những mô hình này. Bên cạnh đó, để tạo lập một chính quyền thân thiện, các cấp lãnh đạo phải luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao quá trình thực hiện mô hình này. Văn hóa ứng xử tại các cơ quan công quyền nên trở thành một tiêu chí để đánh giá thi đua, đánh giá năng lực cán bộ, công chức, và đặc biệt là phải kèm theo chế tài thưởng phạt. Quan trọng hơn, chúng ta phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, các mô hình, điển hình tiên tiến cần được nêu gương để truyền cảm hứng cho các đơn vị hành chính khác”.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy việc xây dựng “chính quyền thân thiện”, xây dựng văn hóa ứng xử giữa công chức với nhân dân là mạch nguồn bền bỉ chảy suốt hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, dù có lúc nọ lúc kia nhưng ở thời nào cũng có rất nhiều vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân. Chính vì thế, xây dựng chính quyền thân thiện là việc làm rất cần thiết nhằm bồi đắp mạch nguồn văn hóa lâu đời, thể hiện lối ứng xử thanh lịch, hòa nhã của người Hà Nội.