Thay đổi cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực 2025: Thí sinh nói gì?
Sáng 30/3, Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 năm 2025 do ĐHQG TP. HCM tổ chức diễn ra, thu hút gần 128.000 thí sinh trên khắp cả nước tham gia. Ngay sau khi rời khỏi phòng thi, nhiều thí sinh đã có những cảm nhận đầu tiên về đề thi và quá trình làm bài.
“Vừa sức hay đánh đố?”
Minh Hào (TP. HCM) cho biết: “Đề thi năm nay khá vừa sức với các bạn học sinh, đề thi có tính phân hóa cao. Nhưng phần toán học có nhiều câu hơi khó và là phần khó nhất đối với mình. Về phần điểm số, mình khá tự tin sẽ đạt kết quả tốt”.
Thiên Bảo (học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM) cũng nhận xét đề thi năm nay vừa sức, nhưng phần Toán học đòi hỏi phải biết cân bằng thời gian một cách hợp lý để có thể làm bài được tốt nhất.

Minh Hào học sinh trường THPT Hùng Vương (TP. HCM) chia sẻ sau khi thi xong. (Ảnh: Hoàng Phúc)
Nhiều thí sinh có cảm nhận chung về phần Toán học là tương đối khó, khiến thí sinh mất nhiều thời gian để giải quyết hơn. Đức Hưng (TP. HCM) chia sẻ, phần Toán học cần nhiều dữ kiện đề bài để có thể suy luận và đưa ra kết quả cuối cùng, nên khiến nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian làm bài.

Nhóm bạn đến từ TP. HCM đã có những cảm nghĩ đầu tiên sau khi thi. (Ảnh: Hoàng Phúc)
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chia sẻ, kỳ thi năm nay có mức độ cạnh tranh rất lớn, đồng thời bày tỏ sự quan tâm, lo lắng cho các sĩ tử. Cô Bình (Q .8, TP. HCM) chia sẻ, hai mẹ con đã thức dậy từ rất sớm để di chuyển đến địa điểm thi: “5h, con đã dậy vệ sinh cá nhân, rồi 6h đi đến trường”. Cô cho biết thêm, gia đình luôn tạo mọi điều kiện nhưng không gây áp lực mà để con tự do lựa chọn ngành học mà mình yêu thích.

Phụ huynh hồi hộp đợi con đi thi. (Ảnh: Hoàng Phúc)
Đề thi theo xu hướng đổi mới
Theo công bố của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM, từ năm 2025, cấu trúc đề thi được điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 vì đây là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT chương trình mới.
Cụ thể, thí sinh làm bài thi trong 150 phút với 120 câu hỏi trắc nghiệm, bao gồm ba phần: Sử dụng ngôn ngữ, Toán học với số lượng câu hỏi tăng lên trong hai phần này, tương ứng 60 và 30 câu. Phần còn lại được cấu trúc thành Tư duy khoa học (30 câu).
Điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó. Đáng chú ý, trong kỳ thi đợt 1, thí sinh không được sử dụng bản đồ Atlat – một thay đổi so với các năm trước.

Thí sinh phấn khởi dự thi Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 tại điểm thi trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM). (Ảnh: Hà Chi)
Bên cạnh việc điều chỉnh cấu trúc đề thi, Kỳ thi Đánh giá năng lực năm nay còn chứng kiến một cột mốc đáng chú ý về số lượng thí sinh đăng ký. Đợt 1 ghi nhận gần 128.000 thí sinh tham gia, đánh dấu con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Hiện tại, có 100 trường đại học và cao đẳng đã đăng ký sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM trong công tác tuyển sinh. Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2025 sẽ được tổ chức thành hai đợt, với điểm thi đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 16/4.
Đợt 2 của kỳ thi năm nay dự kiến tổ chức vào ngày 1/6 và công bố điểm vào 16/6.