Thay đổi để nông nghiệp phát triển bền vững
Nhằm bảo vệ sức khỏe của con người, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn khá thấp. Các mô hình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ - theo hướng hữu cơ quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu vẫn là các mô hình nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thiếu đồng bộ... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với Tiến sĩ Mai Thành Luân - Giảng viên Khoa Nông lâm ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức); anh Nguyễn Xuân Thiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (Công ty Thiên Trường 36); ông Vũ Quang Trung - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, người dân buộc phải thay đổi thói quen sử dụng hóa chất độc hại
Tiến sĩ Mai Thành Luân:
Những năm gần đây, cụm từ nông nghiệp xanh thường xuyên được nhắc đến. Theo đó, đấy là nền nông nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp xanh để cho ra những sản phẩm sạch, mang lại năng suất, hiệu quả cao, an toàn cho sức khỏe người dân.
PV: Để hướng đến nền nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch, theo tiến sĩ đâu là điều quan trọng?
Tiến sĩ Mai Thành Luân:
Việt Nam là đất nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, tuy nhiên chúng ta lại chưa thực sự có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chuyên nghiệp. Một trong những điều nguy hiểm trong sản xuất nông nghiệp của người Việt chính là thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích) một cách tùy tiện. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người làm nông vẫn còn chủ quan, chưa ý thức hết được sự độc hại của hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chưa kể, việc mua các hóa chất bảo vệ thực vật nhìn chung vẫn khá dễ dàng. Đây là câu chuyện mà không thể chỉ nói đến nhận thức của người nông dân, đó còn là trách nhiệm về quản lý, lưu thông và cả người bán hàng... Tôi cho rằng, muốn theo đuổi nông nghiệp xanh - nông nghiệp an toàn thì trước hết phải thay đổi tư duy, thói quen của người nông dân. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nông dân hiểu được sự độc hại của hóa chất bảo vệ thực vật; thì công tác quản lý, lưu thông, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nói chung cần được siết chặt hơn. Khi người nông dân làm nông
nghiệp hạn chế tối đa, nói không với hóa chất độc hại thì khi đấy sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ mới thực sự đạt kết quả.
Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa:
"Sản xuất nông nghiệp hữu cơ sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao là định hướng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa . Bởi chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tốt cho sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có những lộ trình cụ thể, như tạo được những thể chế, quy định rõ ràng; rồi những tiêu chuẩn cần được định lượng.
Trong một thời gian dài, do áp lực tạo ra sản lượng lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, người nông dân đã quen với việc lạm dụng các hóa chất trong canh tác. Và đến bây giờ, là lúc chúng ta phải thay đổi, dĩ nhiên việc thay đổi những thói quen dù là xấu, cũng cần có thời gian. Thay vì sử dụng hóa chất độc sẽ chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ... với mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái.
Cùng với đó, những năm gần đây dù nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Song thẳng thắn nhìn nhận, một trong những khó khăn đang phải đối mặt của sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ chính là thiếu nguồn lực đầu tư".
Làm nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật
Anh Nguyễn Xuân Thiên:
Tôi cho rằng, muốn đạt được hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp an toàn - nông nghiệp hữu cơ, không thể không áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Điều này đã được chứng minh từ chính mô hình sản xuất nông nghiệp của Công ty Thiên Trường 36.
Nếu như thời điểm năm 2015 bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi không mạnh dạn đầu tư kinh phí để áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào trong sản xuất thì chưa chắc đã đạt được kết quả vượt kỳ vọng, từ đó tự tin mở rộng mô hình sản xuất.
Đến năm 2022, cũng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp vào sản xuất các loại dưa mà công ty chúng tôi đã nâng năng suất lên gấp 1,5 lần so với trước. Cũng nhờ năng suất được nâng lên mà giá thành đã giảm xuống đáng kể, từ đó “tiếp cận” được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Đáng nói, dù giá thành giảm song chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo và doanh nghiệp sản xuất vẫn đạt hiệu quả kinh tế đề ra. Và trong thời gian tới, Công ty Thiên Trường 36 đang hướng tới mục tiêu sẽ xuất khẩu sản phẩm dưa vàng.
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, nền tảng về khoa học công nghệ chính là “bí quyết” thành công của Công ty Thiên Trường 36.
PV: Với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, hiện nay nhiều bạn trẻ đang dấn thân trên con đường làm nông nghiệp hữu cơ, anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
Anh Nguyễn Xuân Thiên:
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; lại đông dân, thị trường tiêu thụ rộng lớn, đó được xem là lợi thế lớn cho việc đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Và tôi cho rằng, việc nhiều bạn trẻ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ là điều rất đáng mừng.
Người trẻ có lợi thế về sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, nắm bắt, học hỏi nhanh, họ không ngại thử nghiệm, dấn thân. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì rất khó để thành công trên con đường làm nông nghiệp. Có một câu nói vẫn được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Theo đuổi làm nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững thì không thể nghĩ đến chuyện đi nhanh, hãy đi chậm nhưng chắc. Vì thế, nếu có thể, những bạn trẻ đam mê làm nông nghiệp hãy tìm cho mình những doanh nghiệp, đơn vị có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế để được hỗ trợ và cùng hợp tác.