Thay đổi diện mạo để xứng tầm chợ trung tâm

Thực tế hiện nay, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chính tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại, để giữ vững sức mua, tăng sức cạnh tranh, các chợ truyền thống cần phải được chỉnh trang, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Và tận dụng thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, huyện Đồng Phú đang triển khai cải tạo lại chợ với quyết tâm thay đổi diện mạo, tạo điều kiện để người dân được kinh doanh, buôn bán trong môi trường khang trang, sạch sẽ.

Hoạt động kém hiệu quả

Chợ Đồng Phú được xây dựng năm 2007 trên diện tích hơn 6.400m2. Chợ bố trí 20 ki-ốt gồm 1 trệt, 1 lầu; 48 ki-ốt với diện tích khoảng 9m2/ki-ốt và 160 ô sạp trong nhà lồng. Sau gần 14 năm đi vào hoạt động, chợ chưa được nâng cấp sửa chữa nên trong nhà lồng chỉ có 3 hộ kinh doanh, số còn lại kinh doanh bám theo hành lang các tuyến đường xung quanh chợ. Hiện nay, trong tổng số 228 ki-ốt, ô sạp chỉ có 52 hộ thuê với 116 ki-ốt, ô sạp, số còn lại bỏ không.

Trước đó, UBND huyện Đồng Phú đã có chủ trương về việc chấp thuận cho UBND thị trấn Tân Phú ký hợp đồng và thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với các ô sạp, ki-ốt trong khu vực chợ theo Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 23-1-2007 của UBND tỉnh. UBND thị trấn Tân Phú đang tiến hành triển khai thì xảy ra dịch Covid-19.

Tiểu thương chợ Đồng Phú đập bỏ các công trình tạm bợ lấn chiếm vỉa hè để trả lại mặt bằng giúp đường thông, hè thoáng

Tiểu thương chợ Đồng Phú đập bỏ các công trình tạm bợ lấn chiếm vỉa hè để trả lại mặt bằng giúp đường thông, hè thoáng

Với việc khai thác chưa hết một nửa số ki-ốt, ô sạp đã được xây dựng, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến phần lớn các tiểu thương nghỉ bán. Hiện nay chỉ còn 15 hộ tiểu thương kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm hoạt động; trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND thị trấn Tân Phú chỉ thu được 247 triệu đồng tiền thuế, phí, đạt 49,5% kế hoạch.

Sở dĩ, chợ Đồng Phú được bố trí tại khu vực trung tâm huyện nhưng hoạt động không hiệu quả một phần do chợ xây dựng đã lâu, một số công trình bắt đầu xuống cấp. Mặt khác, do việc quy hoạch, xây dựng chợ còn những bất cập nên nhiều hộ tiểu thương không vào các nhà lồng, ki-ốt mà bám theo các tuyến đường xung quanh chợ để kinh doanh. Vào giờ cao điểm, các tiểu thương tràn ra lề đường buôn bán. Điều này không chỉ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị mà xa hơn còn gây lãng phí, dẫn đến thất thoát nguồn thu cho địa phương.

Quyết tâm lập lại trật tự

Trước tình trạng nhếch nhác, hoạt động kém hiệu quả, UBND huyện Đồng Phú quyết tâm lập lại trật tự kinh doanh, từng bước thay đổi diện mạo chợ Đồng Phú xứng tầm chợ trung tâm của huyện. Theo đó, tận dụng khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, huyện đã có chủ trương chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ, quyết tâm xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, từng bước xây dựng chợ Đồng Phú đi vào hoạt động nền nếp, quy củ và hiệu quả. Điều đáng mừng, chủ trương của huyện đã được phần lớn các hộ dân đồng thuận, nhất trí cao. Nhiều hộ tự nguyện cắt bỏ mái tôn, đập bỏ tường rào, dỡ những công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến đường xung quanh chợ.

Kinh doanh, buôn bán từ ngày chợ Đồng Phú thành lập, anh Nguyễn Văn Minh cho biết: Gia đình có nhà trên tuyến đường sát chợ. Trước đây, gia đình cũng cơi nới thêm mái tôn để tận dụng vỉa hè vừa làm nơi buôn bán, vừa để che nắng, che mưa. Vừa qua, nhận được chủ trương của huyện, gia đình tôi đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ phần lấn chiếm, trả lại mặt bằng cho Nhà nước. Tiểu thương ở đây ai cũng đồng tình. “Do đất ở đây hẹp chiều ngang, ngắn về chiều dài, bà con đã tận dụng xây hết đất. Do đó, chúng tôi mong địa phương thiết kế mái che chung phía trước để mưa, nắng đỡ tạt vào trong nhà” - anh Minh đề xuất.

Anh Phạm Văn Việt, một tiểu thương có nhà riêng, kinh doanh đối diện chợ Đồng Phú cho hay: Giờ cao điểm thấy nhiều người bày bán hàng hóa giữa đường, lấn chiếm lối đi gây ách tắc giao thông và tạo nên cảnh tượng nhếch nhác trong đô thị. Vì vậy, chủ trương chỉnh trang lại chợ của huyện là phù hợp. Hiện gia đình đang thuê thợ tháo dỡ những phần mái tôn để đảm bảo đúng quy định theo yêu cầu của huyện.

Sau khi người dân tháo dỡ xong các công trình vi phạm, huyện sẽ tiến hành lập lại trật tự kinh doanh tại các tuyến đường xung quanh chợ. Đồng thời sắp xếp lại các ki-ốt, ô sạp trong chợ theo ngành hàng phù hợp. Điều này không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân, mà từng bước khai thác hết công năng của chợ, đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh.

Anh PHẠM XUÂN THẠCH,
chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú

Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện có 66 hộ dân sinh sống tại khu vực xung quanh chợ, trong đó 23 hộ có nhà trên tuyến đường tiếp giáp chợ. Anh Phạm Xuân Thạch, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú cho biết: Phần lớn các hộ dân sinh sống trên các tuyến đường tiếp giáp chợ đều có công trình lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Sau khi huyện có chủ trương chỉnh trang lại chợ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp UBND thị trấn Tân Phú đã tuyên truyền vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm. Điều đáng mừng, 100% người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương này của huyện.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/126992/thay-doi-dien-mao-de-xung-tam-cho-trung-tam