Thay đổi hành vi vệ sinh vì sức khỏe cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 76,49% hộ dân trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS). Tỷ lệ này đã tăng so với năm 2018 (71,75%). Các loại nhà tiêu phổ biến là: tự hoại, thấm dội nước, hai ngăn và nhà tiêu chìm có ống thông hơi.

Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” tập huấn vẽ bản đồ vệ sinh cho cán bộ nòng cốt cấp tỉnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh không đều ở các địa phương. Một số huyện thấp hơn trung bình chung toàn tỉnh như: Đà Bắc 53,79%, Kim Bôi 68,69%... Toàn tỉnh còn gần 23% hộ chưa có NTHVS. Nhà vệ sinh ở một số gia đình và ngay cả ở trường học, trạm y tế dù đã có nhưng qua thời gian sử dụng xuống cấp hoặc bảo quản không đúng cách nên không còn hợp vệ sinh. Theo khảo sát có 98,75% nhà tiêu tự hoại, 95,45% nhà tiêu thấm dội nước, 89,51% nhà tiêu hai ngăn, 73,83% nhà tiêu chìm có ống thông hơi hợp vệ sinh, phần còn lại không còn hợp vệ sinh.

Đặc điểm khu vực nông thôn phần lớn các hộ đều chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nhà. Nước sinh hoạt hầu hết từ nguồn giếng khoan, nước tự nhiên từ các khe núi, do đó dễ bị ô nhiễm. Địa hình đồi núi nên nguy cơ nước thải, chất thải của hộ ở phía trên ảnh hưởng đến hộ phía dưới. Do điều kiện kinh tế và nhận thức, hiểu biết nên việc xây dựng, sử dụng, bảo quản NTHVS của một bộ phận nhân dân chưa cao. Người dân chưa có thói quen thực hiện hành vi vệ sinh tốt, không rửa tay thường xuyên với xà phòng, đi vệ sinh bừa bãi.

Theo ngành Y tế, vệ sinh kém gây ra các bệnh đường ruột, suy dinh dưỡng... từ đó dễ nhiễm các bệnh khác. Trẻ em ở vùng nông thôn thấp còi có liên quan đến vệ sinh kém. Vệ sinh kém gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, sự phát triển tương lai. Vì vậy, quan tâm, đầu tư cho vệ sinh chính là để giảm nghèo thông qua giảm thiểu suy dinh dưỡng và bệnh tật. Thực hiện hành vi vệ sinh tốt mang lại sức khỏe cho bản thân, cộng đồng, nâng tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai.

Hòa Bình là 1 trong 21 tỉnh trong cả nước được lựa chọn thực hiện chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn” dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu đến năm 2020 có 60 xã đạt "Vệ sinh toàn xã”; 85 công trình nước và nhà tiêu trạm y tế xã được cải tạo, xây mới. Với nhiệm vụ được giao, năm 2018, ngành Y tế đã thực hiện các hoạt động can thiệp hỗ trợ 11 xã trong tỉnh đạt "Vệ sinh toàn xã”. Năm 2019, tiếp tục can thiệp hỗ trợ 12 xã thuộc huyện Kim Bôi, Lạc Sơn và đăng ký kiểm đếm tại các xã khác. Tại các xã, hộ nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng, hộ cận nghèo 500.000 đồng để xây NTHVS.

Thực tế cho thấy, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân là giải pháp cốt lõi, bền vững. Ngày 28/6/2019, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, phát triển thị trường vệ sinh nông thôn năm 2019. Mục tiêu tại 12 xã can thiệp, 100% hộ được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng NTHVS đúng cách. 100% hộ và giáo viên, học sinh được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng. Các chủ cửa hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng đồng ý trở thành cộng tác viên, thợ xây và được tập huấn về thị trường vệ sinh, kỹ thuật xây nhà tiêu... 90% cán bộ trạm y tế xã, thôn, bản tham gia chương trình được tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh. Lãnh đạo địa phương, trưởng thôn, người có uy tín được cung cấp thông tin về tầm quan trọng và các nội dung cụ thể của vệ sinh nông thôn.

Sở Y tế hiện đang phối hợp triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Thị Ái Hương, cần có sự quan tâm vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương.

C.L

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/135505/thay-doi-hanh-vi-ve-sinh-vi-suc-khoe-cong-dong.htm