Thay đổi lớn trong mua sắm tập trung
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-UBND (Quyết định số 28) về việc 'Ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh'.
Theo đó, danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 20/6/2023 trở đi chỉ áp dụng đối với trang thiết bị văn phòng. Bao gồm: Bộ máy vi tính để bàn; bộ máy vi tính xách tay; máy photocopy) có dự toán mua sắm trên 200 triệu đồng/gói tài sản đối với mỗi đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản.
Quyết định 28 của UBND tỉnh Hà Tĩnh không áp dụng với các trường hợp tài sản mua sắm thuộc dự án đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng; Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết; Hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phải lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo yêu cầu riêng; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tài sản chuyên dùng được mua sắm để phục vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; cụ thể, trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; công thương; xây dựng; tư pháp; lao động thương binh và xã hội. Các cơ quan Trung ương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mua sắm tài sản theo phương thức mua sắm tập trung.
Đối với các tài sản không thuộc trường hợp thực hiện mua sắm tập trung thì việc mua sắm, lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Quyết định 28 của UBND tỉnh Hà Tĩnh có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2023. Bãi bỏ Quyết định Số 172/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 của UBND tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đối với các gói tài sản mua sắm tập trung thuộc trường hợp đã được đơn vị mua sắm tập trung phát hành hồ sơ mời thầu nhưng chưa mở thầu hoặc đã mở thầu và có nhà thầu trúng thầu trước thời điểm Quyết định 28/2023/QĐ-UBND có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục mua sắm tập trung theo quy định. Đối với các trường hợp còn lại thì thực hiện theo Quyết định này.
Liên quan đến những bất cập về mua sắm tập trung, theo ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã tổng hợp ý kiến của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan.
Căn cứ vào ý kiến của các sở, ngành cũng như Thông tư 04/2022/TT-BTC ngày 28/1/2022 của Bộ Tài chính; Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài chính: Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp tỉnh (trừ thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và các tài sản chuyên dùng) theo quy định của pháp luật”, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh sửa đổi Quyết định 172/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 và ban hành Quyết định 28/2023/QĐ-UBND.
Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Tĩnh, sau khi Quyết định 28 ban hành, việc mua sắm thiết bị, vật tư của các đơn vị, ngành sẽ gặp nhiều khó khăn vì các đơn vị, ngành chỉ tập trung sâu về chuyên môn, không có chức năng, nghiệp vụ về thẩm định giá, chất lượng sản phẩm, bộ máy, con người thiếu… Vì thế, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải cẩn trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, trong 3 năm qua, mua sắm tập trung có nhiều bất cập, các cơ quan, đơn vị không mua sắm được tài sản phục vụ việc công, ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ cũng như quyền lợi người dân. “Quan điểm của tỉnh là phân cấp, phân quyền và tháo gỡ vướng mắc, phát huy trách nhiệm cán bộ dám nghĩ, dám làm để thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân hiệu quả, thiết thực” - ông Hải khẳng định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thay-doi-lon-trong-mua-sam-tap-trung-5720452.html