Thay đổi lớn trong quy trình giải quyết 'phạt nguội'
Khi quy trình xử lý các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống camera được áp dụng, người vi phạm sẽ không còn cảnh đi vài trăm cây số để đóng phạt.
Việc thay đổi quy trình xử lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Hiệu quả nhưng còn bất cập
Lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống camera (thường được người dân gọi là “phạt nguội”) được xem là hình thức xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông khi không có lực lượng cảnh sát giao thông làm việc trực tiếp trên đường. Thời gian vừa qua, hệ thống camera trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Điều này có thể thấy được từ số vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A năm 2021 giảm sâu so với năm 2020. Sau 1 năm đi vào hoạt động (từ ngày 17/2/2021 – 17/2/2022), thông qua hệ thống camera giám sát giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 2.600 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, ra biên bản xử phạt hơn 7 tỷ đồng, tước hơn 1.200 giấy phép lái xe.
Hiệu quả của việc triển khai hệ thống camera tại một số tỉnh đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bộ Công an cũng đang triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên toàn quốc. Tuy nhiên, vừa qua việc triển khai thực hiện xử phạt các lỗi vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giao thông đã phát sinh những vấn đề mới, gây bức xúc cho người dân. Trên các trang mạng xã hội không ít những dòng trạng thái than phiền về việc phải đi quãng đường vài trăm km để đóng “phạt nguội”. Tại Bình Thuận, ghi nhận rất nhiều trường hợp vi phạm là người dân ở TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận du lịch rồi bị hệ thống camera ghi nhận lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khoảng vài tuần sau, chủ các phương tiện nhận được thông báo vi phạm qua đường bưu điện. Theo quy định, chủ sở hữu phương tiện phải có mặt tại trụ sở công an có thẩm quyền để xác minh hành vi vi phạm và xác định người điều khiển phương tiện tại thời điểm lỗi vi phạm xảy ra. Như vậy, người dân lại phải thực hiện “chuyến du lịch bất đắc dĩ” ra Bình Thuận để thực hiện các thủ tục đóng phạt.
Tạo thuận lợi cho người dân
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2021 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) về danh mục trang thiết bị, trong đó cho phép các phát hiện vi phạm qua thiết bị kỹ thuật thì được gửi đến công an cấp tỉnh, cấp huyện nơi chủ sở hữu phương tiện sinh sống hoặc cơ quan tổ chức đó để tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Điều này làm thay đổi lớn về việc người vi phạm phải đến trụ sở của đơn vị quản lý tuyến đường đó để lập biên bản xử phạt, thay vào đó, người vi phạm đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt. Việc thay đổi này đã góp phần hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh, giảm thiểu thời gian và đi lại của người dân và đặt nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ mà Bộ Công an đang chỉ đạo xuyên suốt từ bộ tới cơ sở trong thời gian tới.
Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với các đơn vị để sửa đổi các quy trình, các thông tư của Bộ để làm sao phân công phân cấp, quy trình thực hiện nhiệm vụ này thông suốt từ bộ tới công an cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã có chỉ đạo để kết nối các phần mềm xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông, đăng ký xe của lực lượng cảnh sát giao thông từ cục đến công an cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc. Tất cả dữ liệu qua hệ thống giám sát được gửi điện tử trực tiếp từ đơn vị đó tới công an cấp huyện và trước khi gửi phải được xác minh chính xác nơi ở của chủ xe theo hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư để mời chủ xe lên làm việc, xử lý. Việc theo dõi đó mang tính thông suốt toàn quốc nên chủ xe không thể trốn tránh được việc xử lý của cơ quan chức năng.
Thực hiện Nghị định 135 của Chính phủ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vi phạm được lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và xác minh rất chính xác nơi ở, địa chỉ của chủ xe qua hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư; người dân không phải đi lại nhiều để phát sinh các chi phí và giảm thiểu về thời gian.
Điều 15, Nghị định 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng người vi phạm cư trú ở tỉnh khác; hoặc bị phát hiện vi phạm ở huyện này nhưng cư trú ở huyện khác và việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú. Người vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết.