Thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' trong phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là cách mà Hội LHPN huyện Tây Sơn (Bình Định) giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương vươn lên thoát nghèo.

 Hội LHPN huyện Tây Sơn tổ chức các hội nghị tập huấn để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Hội LHPN huyện Tây Sơn tổ chức các hội nghị tập huấn để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Chị Đào Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Sơn, đã có chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này:

Xin chị cho biết cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Tây Sơn như thế nào?

- Huyện Tây Sơn có nhiều địa bàn còn rất khó khăn. Có thể kể đến xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có 5 làng, 385 hộ với 1.408 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Bana là 355 hộ với 1.333 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 92% dân số toàn xã. Người dân xã Vĩnh An sống chủ yếu bằng nghề nông, làm nương rẫy. Cuộc sống của người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Một bộ phận phụ nữ chưa có việc làm ổn định, thu nhập thấp.

Hay thôn Đồng Sim (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) có 54 hộ dân tộc thiểu số, cuộc sống của những hộ này cũng rất khó khăn, vất vả.

Truyền thông và ra mắt "Tổ truyền thông cộng đồng"

Truyền thông và ra mắt "Tổ truyền thông cộng đồng"

Để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động, dám nghĩ dám làm, tự lực vươn lên thoát nghèo, Hội LHPN huyện Tây Sơn đã xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em như thế nào? Đặc biệt với thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế?

- Hội LHPN huyện Tây Sơn đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với xã Vĩnh An, Hội đã giải quyết cho 204 hộ vay vốn với hơn 9,3 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp tổ chức 3 lớp nghề cho hơn 60 phụ nữ tham gia. Hội giúp đỡ 10 phụ nữ thoát nghèo, hỗ trợ xây dựng mới 3 nhà ở cho phụ nữ nghèo xã Vĩnh An trị giá 150 triệu đồng.

Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ xã Vĩnh An có công việc ổn định, hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế với nghề truyền thống, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, Hội đã thành lập và đi vào hoạt động CLB Dệt thổ cẩm ở Vĩnh An có 11 thành viên tham gia. Kinh phí hỗ trợ mô hình gồm 30 triệu đồng, 1 máy may và 1 vắt sổ (nguồn vận động).

Lễ ra mắt Mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng xã Vĩnh An

Lễ ra mắt Mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng xã Vĩnh An

Các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn tại xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đã từng bước giúp đời sống hội viên phụ nữ nâng lên đáng kể, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn xã Vĩnh An còn 18 hộ nghèo (đạt tỷ lệ 4,68%).

Hội LHPN huyện Tây Sơn đã tổ chức các Hội nghị tập huấn: Hướng dẫn thành lập và vận hành, tập huấn nâng cao năng lực vận hành Tổ truyền thông cộng đồng, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; Tập huấn hướng dẫn thực hiện đối thoại chính sách cho cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Thành lập "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", thành lập 6/6 "Tổ truyền thông cộng đồng" và CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", "Tổ Phụ nữ với chuyển đổi số".

Đồng thời, tổ chức 8 buổi Truyền thông Phụ nữ với chuyển đổi số; Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em tổ truyền thông cộng đồng; Hội thi Bình đẳng giới, phòng chống xâm hại và bạo lực gia đình".

Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm truyền thông theo bộ nhận diện Dự án 8. Phối hợp Hội LHPN tỉnh tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực tham gia các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; Truyền thông sân khấu hóa xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Truyền thông sân khấu hóa câu chuyện em cũng muốn được đến trường.

Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Tây Sơn sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả và lan tỏa Cuộc vận động tới từng chi tổ, hội viên phụ nữ?

- Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của Dự án 8 trong năm 2024, Hội LHPN huyện sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp; tổ chức các hoạt động truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, tổ chức hội thi/liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức đối thoại cấp thôn, làng. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số…

Xin cảm ơn chị!

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-trong-phat-trien-kinh-te-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-2024071908153915.htm