Thay đổi 'nhận dạng' DNNN: Đánh giá kỹ những ảnh hưởng tiêu cực

Các phương án sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ tác động nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Do vậy, bài toán về nhận dạng DNNN trong thời gian tới cần được cân nhắc kỹ tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, cổ đông hiện hữu và thị trường.

 Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nếu có tác động tích cực thì phấn khởi, còn nếu tiêu cực thì phải có biện pháp hạn chế tiêu cực. Ảnh minh họa: Minh Tâm.

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nếu có tác động tích cực thì phấn khởi, còn nếu tiêu cực thì phải có biện pháp hạn chế tiêu cực. Ảnh minh họa: Minh Tâm.

Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có 4 phương án quy định khái niệm DNNN tại Luật Doanh nghiệp gồm: phương án trên 65% vốn điều lệ: mức độ chi phối là tuyệt đối, nhà nước quyết định tất cả các vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp.

Phương án trên 50% vốn điều lệ: mức độ chi phối chủ động cộng với quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp (gồm nhân sự, điều lệ).

Phương án trên 35% vốn điều lệ: mức độ chi phối thụ động/thực hiện quyền phủ quyết để định hướng doanh nghiệp.

Phương án cuối là chỉ cần có vốn nhà nước, nhà nước có quyền trực tiếp/gián tiếp bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, quyết định điều lệ doanh nghiệp: mức độ chi phối là quyết định những vấn đề lớn của doanh nghiệp không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu.

Các phương án mở rộng khái niệm đối tượng là DNNN này đang tạo ra nhiều tranh luận cũng như tâm lý lo ngại ảnh hưởng, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Tại hội thảo về việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp chiều 15-7 mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, đại diện ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho rằng, cần cân nhắc cẩn trọng và dựa trên đánh giá tác động thực tế.

“Khái niệm DNNN của Luật Doanh nghiệp 2014 đã phản ánh và thể hiện đúng, nhưng chưa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 12-NQ/TW. Nghị quyết xác định DNNN gồm 2 loại; một là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hai là, doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhưng có sở hữu đến mức chi phối doanh nghiệp đó”, ông Hiếu nói.

Như vậy, những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ không có gì thay đổi so với trước. Câu hỏi cần làm rõ là thế nào là doanh nghiệp có sở hữu chi phối của Nhà nước.

“Ban soạn thảo đang xem xét theo hướng đề xuất phân thành 2 loại DNNN, đó là giữ nguyên doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và đề xuất doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ chi phối trên 50%. Đối với mỗi loại DNNN, cần có phương thức quản lý, giám sát phù hợp, nhằm cụ thể hóa mục tiêu của nghị quyết đề ra về cải cách DNNN”, ông Hiếu nói.

Việc xác định để đưa ra phương án điều chỉnh cuối cùng cần cân nhắc tâm lý của thị trường, nhà đầu tư, các cổ đông hiện hữu. Thậm chí, nếu tính tới phương án mở rộng tối đa khái niệm DNNN tới mức tỷ lệ 35% vốn nhà nước thì phải cân nhắc đến phản ứng của nhà đầu tư có thể không tích cực. Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện đã nắm trên 50% vốn mà Nhà nước có quyền quyết định thì sẽ gây tâm lý tiêu cực, có thể khiến nhà đầu tư thoái vốn, gây tác động lớn tới thị trường.

Mặt khác, dưới góc độ chủ thể thực hiện quyền sở hữu nhà nước để xác định rõ chủ thể ai là nhà nước cần phải giải quyết được vấn đề thế nào là cổ phần nhà nước. "Phải thận trọng, nếu không sẽ có một số rất lớn doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước lại trở thành DNNN", báo cáo CIEM nhấn mạnh.

Câu hỏi mà các doanh nghiệp thường nêu lên hiện nay là các công ty con cấp 1, 2, 3… của tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con nhà nước có được xác định là DNNN, nếu do một DNNN giữ cổ phần chi phối như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hoặc doanh nghiệp do công ty nhà nước cấp 2 nắm giữ cổ phần thì có phải là DNNN, nếu không phải DNNN thì là doanh nghiệp loại gì?

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM cho rằng: “Để làm rõ được chủ thể ai là nhà nước trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là phải xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp. Chỉ khi nào cơ quan nhà nước trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu thì mới nên gọi là DNNN, còn doanh nghiệp cấp thấp hơn thì nên gọi là công ty có cổ phần nhà nước.”

Như vậy CIEM cũng đưa ra quan điểm, khi quy định về DNNN thay đổi thì phải đánh giá thay đổi tích cực hay tiêu cực đến đâu. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nếu có tác động tích cực thì phấn khởi, còn nếu tiêu cực thì phải có biện pháp hạn chế tiêu cực. Làm rõ tác động liên quan đến các vấn đề như nhân sự, đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh…

Số lượng DNNN sẽ tăng hay giảm?

Một số chuyên gia cũng cho rằng sau 30 năm cải cách, DNNN đã giảm xuống hiện còn trên 500. Nếu mở rộng thì số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên đột biến. Thành quả của cải cách có thể bị ảnh hưởng về mặt con số.

Theo báo cáo của Chính phủ tháng 10-2018, cả nước có 526 doanh nghiệp nhà nước và 294 công ty cổ phần do các bộ, UBND tỉnh/thành phố quản lý.

Cụ thể, có 9 luật hiện hành quy định về chủ thể DNNN bao gồm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công. Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp và Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó 3 luật chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp ngay đối với toàn bộ số doanh nghiệp tăng thêm là Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các văn bản, quy định khác cũng sẽ tác động tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như về mặt pháp lý.

Việt Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293981/thay-doi-nhan-dang-dnnn-danh-gia-ky-nhung-anh-huong-tieu-cuc.html