Thay đổi nhận thức của người làm nghề nông

Đó là khẳng định của Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Đắc Tài tại Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi TX. Tân Châu lần thứ IX, giai đoạn 2016-2020.

Từ sản xuất nhỏ lẻ…

Phong trào nông dân SXKD giỏi trên địa bàn TX. Tân Châu thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng; từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản.

“Qua những lần tổ chức Đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi trên địa bàn thị xã, có rất nhiều mô hình hay, cách làm ăn sáng tạo ra đời. Từ đó đã góp phần đáng kể vào phong trào giảm nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương” - Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tân Châu Trần Văn Vốn khẳng định. Theo ông Vốn, thông qua những mô hình này, toàn thị xã đã dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất rất sôi nổi và phát triển rộng khắp. Người nông dân đã cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) kiểu mới; bà con đã chuyển sang tư duy làm ăn hợp tác, chia sẻ để cùng nhau vượt khó, làm giàu chính đáng. Liên kết, liên doanh và cùng nhau làm giàu trở thành phương châm trong sản xuất nông nghiệp. Đi đầu trong phong trào kinh tế hợp tác, trước hết phải nói đến HTXNN Tân Phú A1, Tân Phú A2 (xã Tân Thạnh), HTXNN Tân Hậu và Tân Hậu A2 (xã Tân An).

HTXNN Tân Phú A1 được thành lập năm 1998. Diện tích đất sản xuất 497ha, thành viên tham gia góp vốn 476 cổ phần, trị giá mỗi cổ phần hiện nay là 1 triệu đồng. “Qua 21 năm hoạt động, HTXNN Tân Phú A1 đã khẳng định được vai trò, vị trí của mô hình kinh tế tập thể, thu hút đông đảo xã viên và nông dân cùng tham gia. Các loại hình dịch vụ mà HTX đang thực hiện, bao gồm: dịch vụ bơm tưới, sản xuất lúa giống, phân bón và dịch vụ tín dụng nội bộ. Từ cách làm ăn riêng lẻ, nay nông dân trên địa bàn đã đi vào con đường làm ăn hợp tác, từ đó đã hạ chi phí sản xuất, lợi nhuận được nâng lên sau mỗi vụ mùa sản xuất” - Giám đốc HTXNN Tân Phú A1 Trịnh Văn Dứt (xã Tân Thạnh) khẳng định.

Nhờ chuyển đổi tư duy trong sản xuất mà sản phẩm nông sản được tiêu thụ dễ dàng

…chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn

Nếu trên địa bàn TX. Tân Châu có HTXNN Tân Phú A1 thì ở huyện Phú Tân có HTXNN Phú Thạnh, huyện Châu Thành có HTXNN Vĩnh Bình. Đây là những HTX tiên phong, lá cờ đầu trong phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thông qua phong trào nông dân SXKD giỏi, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện, trong đó phong trào liên kết, liên doanh, cùng nhau vượt nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng đã phát triển rầm rộ trên địa bàn tỉnh. “Nếu chúng tôi không chuyển đổi nhận thức, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn thì sản phẩm làm ra sẽ khó tiêu thụ. Thực tế cho thấy, cũng là mặt hàng lúa, khi thương lái vào những cánh đồng để chọn mua thì họ luôn tìm những cánh đồng lớn, diện tích sản xuất nhiều, nông dân sản xuất đồng loạt 1 giống lúa, họ sẽ ưu tiên chọn mua trước. Những cánh đồng như vậy, lúa dễ bán và bán được giá cao. Muốn vậy, không có con đường nào khác là đi vào con đường làm ăn hợp tác, sản xuất hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Nguyễn Văn Nam (nông dân SXKD giỏi xã Phú Thạnh, Phú Tân) khẳng định.

Theo ông Nam, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, một mặt nông sản dễ tiêu thụ, mặt khác chất lượng nông sản làm ra sẽ mang tính đồng đều cao. Đầu vào của vật tư nông nghiệp sẽ mua được với giá rẻ, đầu ra bán được giá cao thông qua mô hình “Mua chung, bán chung”. Khi chuyển sang mô hình sản xuất lớn thì vốn phục vụ sản xuất cũng dễ tiếp cận, việc đưa khoa học-kỹ thuật vào đồng ruộng gặp nhiều thuận lợi hơn.

“Nếu nông dân không thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm thì làm sao có những cánh đồng bạc tỷ, mảnh ruộng trăm triệu đồng như hiện nay. Ngoài đổi mới tư duy, chúng tôi còn đổi mới cách làm, cách tiếp cận khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất như: giải pháp tưới nhỏ giọt, mô hình xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng dưa lưới. Nhờ có phong trào nông dân SXKD giỏi nên phong trào thi đua ở địa bàn nông thôn, trên lĩnh vực nông nghiệp ngày càng sôi nổi hơn” - anh Trần Văn Tuấn (nông dân SXKD giỏi TX. Tân Châu) chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-lam-nghe-nong-a255318.html