Thay đổi nhận thức để chấm dứt sử dụng lao động trẻ em trong hoạt động du lịch

Việc gia tăng sử dụng lao động trẻ em trong hoạt động du lịch đang được khuyến khích và cổ vũ bởi chính… những người đi du lịch. Tình trạng này được phán đoán sẽ khó thuyên giảm, nếu không có một chiến lược truyền thông thay đổi nhận thức và hành vi một cách mạnh mẽ và quyết liệt.

Trẻ em miền núi Hà Giang thường xuyên có mặt ở các điểm tham quan du lịch. Ảnh: Thụy Văn

Trẻ em miền núi Hà Giang thường xuyên có mặt ở các điểm tham quan du lịch. Ảnh: Thụy Văn

Thực tế diễn ra cho thấy, lao động trẻ em trong hoạt động du lịch hầu hết tồn tại ở các vùng dân tộc thiểu số, khu vực biển đảo và các khu du lịch phát triển. Ta có thể thấy ở bất cứ đâu, những em bé đang độ tuổi đến trường nhưng thường xuyên có mặt ở các địa điểm tập trung đông khách du lịch để bán hàng, để chụp ảnh chung với khách và dần bỏ hẳn việc học.

Điển hình nhất là trên con đường qua 4 huyện miền núi từ Quản Bạ lên Đồng Văn, đích đến là đỉnh Lũng Cú, Hà Giang có rất nhiều trẻ em người Mông mang các quẩy tấu có hoa tam giác mạch ngồi ở ven đường chờ khách du lịch tới chụp ảnh. Mỗi người chụp trả cho các em tiền từ 10 đến 100 ngàn đồng. Những bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội tạo ra làn sóng chụp ảnh cùng người dân bản địa, mà thực chất là các cháu nhỏ đã bỏ học ở trường để đi làm việc kiếm tiền. Dần dà, sự việc hình thành trong tư duy của người bản địa là cứ chụp ảnh đồng nghĩa với phải trả tiền. Có rất nhiều vùng, bà con không biết nói tiếng phổ thông, chỉ học được một câu để nói với bất cứ ai là “trả tiền đi”.

Tại khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết, rất nhiều trẻ em mang các tấm nhựa giang nắng để chờ khách du lịch thuê trượt cát. Nếu không cho thuê được thì các em xin tiền, nhũng nhiễu khách du lịch. Việc nhũng nhiễu này xảy ra ở hầu hết các trung tâm du lịch, đô thị lớn mang đến hình ảnh không thiện cảm cho du lịch Việt Nam.

Sự việc mang đến tác hại đầu tiên là tạo nên một hình ảnh của vùng du lịch kém thân thiện. Khi người dân chỉ chờ xin tiền du khách thì chính du khách cũng muốn tránh xa họ. Thêm nữa, chính những du khách ban đầu hào hứng chụp ảnh, cho tiền, cho kẹo, từ thiện không đúng cách với người dân bản địa, sau đó xuất hiện tâm lý e ngại và xa lánh vì người dân hóa ra chỉ xin tiền mà không làm gì cả. Không thể nói hậu quả sau cùng bắt nguồn từ đâu, nhưng tình trạng này cần được nhận thức lại, cả từ hai phía, người dân và khách du lịch.

Trẻ em thuộc nhóm người yếu thế trước bất cứ vấn nạn nào của xã hội. Trước sự phát triển nhanh chóng của các vùng hẻo lánh, miền núi hải đảo chuyển mình trở thành các vùng du lịch nổi tiếng thì trẻ con cũng cuốn theo nếp sống này nhanh nhất. Bên ngoài cổng trường có nhiều thứ hấp dẫn các em hơn là trang sách, vì thế giữ các em ở lại trường là việc vô cùng vất vả của các giáo viên. Nhất là khi trẻ bắt đầu kiếm được tiền khi đi chơi với khách du lịch, dẫn đường, bán đồ lưu niệm, phiên dịch... Chưa kể trẻ là đối tượng rất dễ bị lạm dụng, xâm hại. Trẻ em bị lạm dụng tình dục đã từng là vấn nạn nhức nhối tại Sa Pa, Lào Cai và cho đến nay vẫn tồn tại như một tất yếu của một vùng du lịch cởi mở. Vậy, giải pháp nào mới thực sự có hiệu quả?

Luật Trẻ em hiện hành đã có những quy định về nguyên tắc bảo đảm, bảo vệ quyền trẻ em, các hành vi ngăn cấm việc xâm hại trẻ em, đưa ra chính sách ưu tiên trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh. Thế nhưng, việc trẻ em tham gia vào hoạt động du lịch, kiếm tiền quá sớm dường như không thể ngăn chặn triệt để. Đã có ý kiến cho rằng cần phải có những quy định rất cụ thể, chi tiết và toàn diện đối với việc bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực du lịch, cần có trợ giúp pháp lý khi cần.

Sử dụng lao động trẻ em trong các khu du lịch và các hoạt động du lịch còn có nguy cơ khiến trẻ em bị bóc lột thông qua việc bắt ép đi ăn xin, bán hàng rong, trộm cắp tài sản của khách du lịch. Việc bỏ học để lao động trong các hoạt động du lịch không chỉ là do mong muốn của trẻ em, còn là do gia đình bắt buộc hoặc bị lôi kéo, cưỡng bức. Chính các em không được sống trong một môi trường lành mạnh khi các vùng du lịch bỗng nhiên phất lên bất ngờ, làng bản, thôn xóm bỗng nhiên tràn ngập khách lạ và lưu trú cùng với nhà dân. Ngoài văn hóa bản địa bị pha trộn, bản thân các em cũng gặp khó khăn khi hình thành nhân cách và nếp sống thích nghi với một khu du lịch phát triển. Những nhận thức lầm lạc có thể xâm nhập vào tâm hồn trẻ thơ và khiến các em từ bỏ trường lớp. Và bản thân các em, nguồn nhân lực địa phương đáng quý không thể phát triển lên thành những nhân tố tích cực, trở thành lao động có kiến thức và chất lượng cao như đích đến của ngành du lịch.

Trên thực tế, việc trẻ em tham gia vào hoạt động du lịch vẫn có thể chấp nhận được ở các hình thức như: lao động sản xuất sản phẩm du lịch, vẽ tranh, làm xiếc, cùng với ông bà, cha mẹ vệ sinh dọn dẹp làm homstay, tham gia vào các lớp truyền dạy văn hóa dân gian, trò chơi dân gian, hoạt động lễ hội... Một số trẻ nhỏ có thể tham gia phiên dịch, hướng dẫn viên nếu phù hợp. Những việc này phải được sự đồng thuận của các em và phải là nhu cầu của các em, là điều kiện cho trẻ em phát huy khả năng, kỹ năng cá nhân, nhằm trang bị kiến thức về ý thức lao động, kỹ năng sống cho chính các em.

Như vậy, để xây dựng được môi trường du lịch an toàn cho trẻ em, cần sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân nói riêng và cả cộng đồng xã hội. Một xã hội cần tiến tới việc tôn trọng trẻ và tạo điều kiện để trẻ phát triển bản thân với cơ hội làm giàu, kiếm tiền và tăng thu nhập luôn ở trên nền tảng kiến thức và rèn luyện. Các em cần được nhận thức rõ, hiểu biết và được chia sẻ những nguy cơ để tránh. Một chiến dịch truyền thông dài hơi là cần thiết, không chỉ với trẻ mà với cả khách du lịch. Tôn trọng lối sống bản địa và con người nơi mình đến là văn minh tối thiểu của người đi du lịch. Về tương lai, trẻ em ở các vùng du lịch có hy vọng được phát triển bình thường, tránh các nguy hại.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thay-doi-nhan-thuc-de-cham-dut-su-dung-lao-dong-tre-em-trong-hoat-dong-du-lich-post429404.html