Thay đổi nhận thức để thoát nghèo
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao gây áp lực lên mức sinh, số trẻ em sinh ra và sinh con thứ 3 trở lên còn cao cộng thêm tâm lý muốn sinh thêm con, có con trai còn khá phổ biến,... là những khó khăn, thách thức cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cẩm Khê trong việc thực hiện nâng cao chất lượng dân số, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Từng bước tháo gỡ khó khăn, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm thay đổi nhận thức, hành động của người dân là nhiệm vụ thường xuyên mà đội ngũ những người làm công tác dân số ở huyện Cẩm Khê đang tích cực triển khai thực hiện...
Như thông lệ, cứ chiều thứ 5 hàng tuần, trên loa truyền thanh xã Ngô Xá lại phát tin, bài về công tác dân số. Đồng thời, vào các ngày trọng điểm thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, Ngày phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh thế giới... đều phát thanh tin, bài, thông báo để đông đảo người dân được biết. Công tác phối hợp tuyên truyền cũng được thực hiện linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Nhiều năm gắn bó với công tác dân số địa phương, chị Phan Thị Huyền - Cán bộ dân số xã Ngô Xá chia sẻ: “Do niềm tin tôn giáo, nhiều phụ nữ Công giáo không dám công khai việc mình áp dụng biện pháp tránh thai. Đối với Ngô Xá, phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục luôn đổi mới phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của địa phương. Nội dung chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, vận động giảm sinh và sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số”. Nhờ kiên trì thực hiện các biện pháp truyền thông, vận động đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 8,16%.
Xác định truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi là khâu quan trọng trong chương trình DS/SKSS/KHHGĐ, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu và ban hành các kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi của Nhân dân về DS/SKSS/KHHGĐ, có sự đổi mới đa dạng về nội dung và hình thức với nhiều loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng địa phương và từng đối tượng; hướng đến các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào Công giáo.
Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức 25 buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về giới, về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên, phòng tránh xâm hại trẻ em. Các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; duy trì hoạt động của 15 câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu và 6 góc thân thiện tại các trường THCS; tổ chức 24 hội nghị truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho hơn 960 người; cấp phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với hội phụ nữ các xã, thị trấn tổ chức 138 hội nghị truyền thông trực tiếp về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho gần 4.000 bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, duy trì hoạt động 24 câu lạc bộ các bà mẹ có con độ tuổi vị thành niên, 287 tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên. Hoạt động tuyên truyền trực quan với 144 băng zôn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách dân số và phát triển... Qua đó, đã giúp người dân hiểu được việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ là điều cần thiết, là cách để thoát nghèo, con cái được học hành, chăm sóc đầy đủ hơn.
Chị Vũ Thị Hồng Nhung ở khu Trung Thuận 1, xã Yên Tập chia sẻ: “Với điều kiện kinh tế của gia đình như hiện nay, vợ chồng tôi dễ dàng sinh thêm con mà không phải băn khoăn nhiều về chi phí. Tuy nhiên, khi được cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số ở khu tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch nên gia đình quyết định chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các cháu cho tốt và chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”.
Nhờ đổi mới và đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung truyền thông phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, từ đó thiết thực góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giảm tình trạng đói nghèo do đông con.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thay-doi-nhan-thuc-de-thoat-ngheo-222022.htm