Thay đổi nhận thức ngư dân - Chìa khóa tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản

Ngoài các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vùng biển Tây Nam còn là điểm nóng về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Do vậy, việc chấm dứt tình trạng này là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong đó lực lượng chấp pháp trên biển giữ vai trò nòng cốt.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 4 đã nỗ lực triển khai các chủ trương, giải pháp đồng bộ, linh hoạt, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm IUU trên khu vực biển quản lý.

Phóng viên: Chú biết về chống khai thác IUU không?

Ngư dân: Cái đó mình chưa biết.

Ngư dân: Theo tôi hiểu IUU có nghĩa là cấm khai thác vùng biển nước ngoài.

Ngư dân: Cấm chất nổ khai thác hải sản và bắt những con cá, con mực nhỏ bé.

Những câu trả lời này cho thấy sự hiểu biết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của ngư dân vẫn còn rất hạn chế. Chỉ còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Việt Nam vẫn chưa thể tháo gỡ được thẻ vàng. Tuyên bố cứng rắn của Ủy ban châu Âu khiến chúng ta phải quyết tâm hơn nữa trong cuộc chiến này và nhận thức của ngư dân được cho là yếu tố quyết định.

Để từng bước tháo gỡ thẻ vàng EC đối với ngành thủy sản, từ tháng 7-2021, Vùng Cảnh sát biển 4 được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống khai thác IUU trên khu vực biển, đảo Tây Nam.

Ngay sau đó, Vùng và các đơn vị phối thuộc đã tăng cường số lượng tàu, xuồng, nhân lực ứng trực 24/24 trên biển. Bất kể ngày đêm, những cuộc tuần tra, kiểm soát luôn được cán bộ, chiến sĩ duy trì nghiêm, kết hợp thông qua thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp nghiệp vụ, những dấu hiệu, hành vi vi phạm quy định đánh bắt đều không thoát khỏi sự giám sát của các chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4.

Đại tá Trần Nguyên Lai, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: “Chúng tôi thường xuyên theo dõi qua hệ thống giám sát hành trình, kịp thời thông báo, cảnh báo và kêu gọi các tàu cá hoạt động trên khu vực giáp ranh có nguy cơ cao sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy hải sản trái phép về vùng biển Việt Nam. Trên thực địa chúng tôi đã phối hợp tuần tra, kiểm soát chống vi phạm IUU khu vực vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia, tại vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia và Thái Lan, trong đó tập trung vào tuần tra ban đêm. Kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá Việt Nam sang vùng biển khai thác thủy hải sản, đồng thời kiên quyết xử phạt đúng theo quy định của pháp luật đối với tàu cá vi phạm IUU”.

 Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền tới ngư dân.

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền tới ngư dân.

Ông Nguyễn Thanh Nhà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xin cảm ơn Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, chống khai thác trái phép của ngư dân, đặc biệt là thực hiện đạt kết quả tốt theo chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ”.

Suy cho cùng nhận thức của ngư dân là yếu tố quyết định đến việc chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm quy định đánh bắt. Vì vậy, thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 4 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ở các tỉnh ven biển Tây Nam, Vùng Cảnh sát biển 4 đã trực tiếp xuống từng địa phương để gặp gỡ, nói chuyện với ngư dân, trước tiên là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm cao, giúp họ có thêm kiến thức về pháp luật và tự giác chấp hành.

Một tín hiệu vui là sau mỗi buổi tuyên truyền nhiều chủ phương tiện đã tự nguyện ký vào bản cam kết không vi phạm IUU. Ông Võ Hoàng Hận, Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang bộc bạch: “Thời gian qua nhờ được các đồng chí Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nhìn chung ý thức của bà con được nâng lên rất nhiều, việc khai thác bất hợp pháp trong thời gian qua trên địa bàn xã An Sơn là không còn”.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khai thác thủy, hải sản của Vùng Cảnh sát biển 4 không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi phần lớn ngư dân thường đi biển dài ngày. Cá biệt có nhiều trường hợp trình độ nhận thức hạn chế nên việc phổ biến pháp luật mất nhiều thời gian. Lựa chọn mùa biển động để tổ chức tuyên truyền tập trung hay thành lập các tổ công tác tiếp cận tàu cá đang khai thác trên biển để nói chuyện, phát tờ rơi… Đây là những biện pháp tuyên truyền đang được Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện hiệu quả.

 Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 biên soạn tài liệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để tuyên truyền ngư dân từng bước tháo gỡ thẻ vàng EC.

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 biên soạn tài liệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để tuyên truyền ngư dân từng bước tháo gỡ thẻ vàng EC.

Ngư dân Chau Thanh Xuân, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tâm sự: “Qua tuyên truyền tôi nắm được một số thông tin đánh bắt trái phép sử dụng chất phá, chất nổ là hủy diệt môi trường. Tôi cũng ý thức không xâm phạm vùng biển nước ngoài, chỉ đánh bắt trong vùng biển Việt Nam. Khi nắm được pháp luật đánh bắt trên biển là chúng tôi đánh bắt được tự tin hơn”.

Theo ghi nhận của Vùng Cảnh sát biển 4, hiện nay đã không còn tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng; các hành vi cố tình vi phạm khai thác IUU đều giảm đáng kể, nhất là các vi phạm về bằng cấp chuyên môn, giấy tờ tùy thân của thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá; giảm thiểu hoạt động khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đó là tín hiệu tích cực, góp phần vào mục tiêu chấm dứt các hoạt động vi phạm quy định đánh bắt, gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Bài và ảnh: THÚY AN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan/thay-doi-nhan-thuc-ngu-dan-chia-khoa-thao-go-the-vang-cho-nganh-thuy-san-740316