Thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Trong 5 năm qua, năm nào cũng xuất hiện mưa đá, lốc xoáy, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở hầu khắp các nơi trong tỉnh, gây thiệt hại không nhỏ về nhà cửa, sản xuất và đời sống Nhân dân.

Quốc lộ 70B, đoạn qua xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đang được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên có đoạn nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão, nếu không được khẩn trương xây kè chống sạt.

Quốc lộ 70B, đoạn qua xã Yên Mông (TP Hòa Bình) đang được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên có đoạn nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão, nếu không được khẩn trương xây kè chống sạt.

Số liệu thống kê, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2016-2020, trên địa bàn ước 6.254,771 tỷ đồng. Số người chết, mất tích do thiên tai 56 người, bị thương 29 người. Thiên tai cũng gây thiệt hại hàng trăm nghìn ngôi nhà, hàng trăm nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng cũng rất lớn. Đặc biệt, thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng phục vụ đời sống dân sinh và an sinh xã hội. Trong đó, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn. Mỗi mùa mưa lũ, các tuyến giao thông từ quốc lộ đến đường liên xã thường xuyên xảy ra ngập, sạt lở làm ách tắc giao thông. Nhiều khu dân cư bị sạt lở nghiêm trọng phải di dời để đảm bảo an toàn. Điển hình như: 13 khu tái định cư cấp bách được xây dựng tại các huyện: Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, TP Hòa Bình. Tại TP Hòa Bình xuất hiện nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như: Khu vực phía Đông đồi Ông Tượng, khu vực sạt lở dọc sông Đà tại phường Đồng Tiến; tại lý trình km 3, đường tỉnh 445; khu vực sạt lở phường Thái Bình, xã Hòa Bình… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Đặc điểm chung của bà con các dân tộc là sống tập trung ở ven sông, suối, nơi gần nguồn nước để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước từ sườn dốc chảy xuống khe, rãnh và dồn về sông, suối gây ra lũ với biên độ dao động lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao. Những năm qua, các vùng có nguy cơ sạt lở đất cao đã được tỉnh và các địa phương xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân đến chỗ ở an toàn, xây dựng những khu tái định cư. Song, một bộ phận hộ dân chủ quan, không chịu di dời do lo ngại về sinh kế, xáo trộn đời sống, vì vậy tiềm ẩn nguy hiểm lớn.

Đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Để chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), hàng năm, trước mùa mưa bão, Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra công tác PCTT, đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư. Trong đó, chú trọng kiểm tra, rà soát các trọng điểm trong công tác PCTT như: Điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, đá; khu vực xảy ra hoặc nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, từ đó đưa ra những giải pháp ứng phó cụ thể, nhất là quan tâm xây dựng phương án di dời các hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở cao chuyển đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng, tài sản cho Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Qua kiểm tra, rà soát, xác định vùng trọng điểm cho thấy, trong tỉnh, vùng trọng điểm ảnh hưởng bão có 48 xã tại các huyện: Mai Châu, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, TP Hòa Bình. Đối với lũ, ngập lụt, các địa bàn có nguy cơ cao gồm 40 xã, phường, thị trấn. Đối với lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh, có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào tùy theo lượng mưa diễn ra. Đặc biệt, hiện nhiều khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở tại các khu vực dân cư và dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đã được ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, tình hình khí tượng thủy văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại hình thiên tai bão trái mùa, trái quy luật; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… ảnh hưởng đến khu vực tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm nay, mặc dù mới vào đầu mùa mưa bão, song đã ghi nhận thiệt hại tại một số địa phương. Điển hình như ở huyện Tân Lạc có 16 hộ bị hư hỏng nhà ở, gần 15 ha lúa, cây màu, mía, keo bị đổ gẫy. Huyện Mai Châu có 22 hộ bị thiệt hại nhà ở. Huyện Kim Bôi thiệt hại khoảng 40 ha lúa, rau màu, cây lâm nghiệp; nhiều nhà ở bị tốc, vỡ mái; 18 bai tạm bị vỡ; 200 con gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Thực tế cho thấy, công tác PCTT luôn được tỉnh chú trọng, đặt lên hàng đầu, từ đó đã giảm thiểu được thiệt hại. Tuy nhiên, UBND tỉnh đánh giá, vẫn còn một số địa phương chủ quan, chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của thiên tai, chưa kiên quyết trong việc đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra sạt lở, mưa lũ. Còn nhiều trường hợp, chính quyền địa phương để người dân không chịu di dời khi có mưa lũ, hoặc vẫn để người và phương tiện đi qua ngầm tràn, đánh bắt thủy sản khi nước lũ dâng cao tại vùng nguy hiểm; chưa có hình thức thông tin phù hợp đối với các khu vực vùng cao, vùng sâu, nhất là các khu vực dân cư sinh sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, khi có mưa lũ, việc thông tin liên lạc không được thông suốt để người dân chủ động phòng tránh… Do vậy, để nâng cao hiệu quả PCTT nhất thiết cần nâng cao trách nhiệm và thay đổi nhận thức của cộng đồng về nhiệm vụ này.

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/154289/thay-doi-nhan-thuc,-trach-nhiem-cua-cong-dong-ve-phong,-chong-thien-tai.htm