Thay đổi nhận thức và tư duy sáng tạo

Với dung lượng chưa đến 1.500 chữ, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện khai phóng, quan trọng, dù mới chỉ ra những nét đại cương, song đã chứa đựng những cơ sở lý luận, góp phần đặt nền móng trong việc xây dựng tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ trong các giai đoạn tiếp theo.

Chuyển biến về nhận thức

Tại tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”, chiều 1.3, TS. Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện mở đường cho nền văn hóa cách mạng Việt Nam, trong đó Đảng đã vạch ra ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. “Đề cương xác định rõ: Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này. Ba nguyên tắc trong Đề cương trở thành nền tảng để phát triển văn hóa Việt Nam, cội nguồn sự trường tồn của dân tộc ta”.

Văn hóa, nghệ thuật đang được khích lệ sáng tạo với các giá trị mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ảnh: Trần Huấn

Văn hóa, nghệ thuật đang được khích lệ sáng tạo với các giá trị mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ảnh: Trần Huấn

Theo TS. Ngô Phương Lan, ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng chính là khởi nguồn của tính dân tộc, đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học nghệ Việt Nam. Minh họa rõ hơn vấn đề này, bà Lan đưa ra ví dụ tính dân tộc từ góc nhìn điện ảnh: “Theo tôi, tác phẩm điện ảnh giống như tác phẩm của các ngành văn học, nghệ thuật khác, là do nhà sáng tác tạo nên, thể hiện tư duy, quan niệm sống, tâm tư, tình cảm, khát vọng… của bản thân tác giả. Điều này càng thấy rõ khi nhà làm phim thể hiện câu chuyện của dân tộc khác thì tác phẩm vẫn có thể mang tính dân tộc của bản thân nhà sáng tác. Mặt khác, tính dân tộc chỉ trở thành phẩm chất khi nó tạo nên những giá trị thực sự: tác phẩm chuyển tải được cái “hồn” dân tộc, phản ánh được bản chất cuộc sống với cái nhìn nhân bản, thông qua những hình tượng màn ảnh, những số phận nhân vật có sức sống, với phương thức thể hiện mang màu sắc dân tộc độc đáo…”.

Ở mức độ rộng hơn, GS.TS. Phong Lê cho rằng, với nguyên tắc dân tộc hóa, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là của các tầng lớp trí thức có ý nghĩa định hướng cho họ ở cả hai tư cách: người công dân và người trí thức - nhà khoa học hoặc nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường, đó là hướng về cách mạng, tham gia cách mạng để cứu nước, trong đó có bản thân mình và nghề nghiệp của mình. Qua Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự ra đời của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam năm 1944, gần như tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về dân tộc, về cách mạng.

Phát triển tư duy tự do sáng tạo

Các đại biểu đồng thuận, kế thừa và phát triển nguyên tắc dân tộc hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đến Nghị quyết số 33-NQ/TW đều chỉ rõ: Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. PGS.TS. Lê Thị Bích Thủy, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, nghị quyết xác định những nhiệm vụ cơ bản cần tập trung xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; đặc biệt là việc huy động sức mạnh toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc.

Đăc biệt, thời gian gần đây, theo GS.TS. Phong Lê, văn học, nghệ thuật đã chuyển sang một thời kỳ mới với rất nhiều thay đổi trong đề tài, chủ đề, trong cảm hứng sáng tạo, trong thi pháp, bút pháp, cấu trúc nghệ thuật, văn bản ngôn từ… “Thời kỳ này, tự do sáng tạo vẫn còn những khía cạnh cần bàn, nhưng là bàn trên bình diện mới. Đó là sự chấp nhận hoặc tôn trọng mọi tìm tòi để có thể vừa đến được với cái riêng, cái khác, vốn là mục tiêu săn tìm ráo riết của thế hệ trẻ, kể từ 8x, 9x trở đi, thế hệ không phải sống trong chiến tranh và tình thế bao cấp, vừa vẫn có thể đồng hành cùng nhau trước những mục tiêu chung của quốc gia như chủ quyền biển đảo bị đe dọa, nạn tham nhũng vẫn chưa hoặc khó bị đẩy lùi; vừa khẩn trương tham gia hội nhập, trong bối cảnh toàn cầu hóa và các cuộc Cách mạng công nghệ nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác trước nguy cơ đánh mất bản sắc riêng của mình”.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thay-doi-nhan-thuc-va-tu-duy-sang-tao-i317549/