Thay đổi nhận thức về xóa đói giảm nghèo

ĐBP - Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Song, kết quả vẫn chưa bền vững, bởi ý thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn hạn chế. Do vậy, trong những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình, nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo.

Lãnh đạo huyện Mường Nhé kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 05 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Mường Nhé.

Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 19/5/2021 của Huyện ủy Mường Nhé về Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những minh chứng điển hình về việc thay đổi nhận thức người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo. Theo đó, Mường Nhé là địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhưng người dân chủ yếu chăn nuôi thả rông, không tập trung, vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 05, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong huyện thay đổi nhận thức, ý thức.

Huyện ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết theo hình thức tập trung trong giai đoạn đầu. Với mỗi gia đình đăng ký phát triển chăn nuôi trong quy mô hộ gia đình, được huyện hỗ trợ giống cỏ voi, được ngân hàng hỗ trợ thủ tục vay vốn. Chỉ tính riêng năm 2021, huyện Mường Nhé đã dành 1,1 tỷ đồng cấp cho 11 xã (mỗi xã 100 triệu đồng) mua giống cỏ voi cấp cho người dân; Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân trên 30 tỷ đồng cho vay phát triển chăn nuôi, sản xuất. Đến cuối năm 2021 toàn huyện đã triển khai trồng được 106,45ha cỏ chăn nuôi (đạt 53,2% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025); tổng đàn trâu, bò toàn huyện 17.108 con (đạt 95% so với mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2025).

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Mường Nhé đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, từ chăn thả tự nhiên sang hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Tính riêng kinh phí người dân tự đầu tư chuyển đổi hình thức chăn nuôi lên tới hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, trồng cỏ 985 triệu đồng; đầu tư con giống 15,9 tỷ đồng và xây dựng chuồng trại 300 triệu đồng. Theo ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), thực hiện chủ trương của huyện về chăn nuôi đại gia súc, xã đã tích cực tuyên truyền để bà con thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang nuôi nhốt tập trung làm hàng hóa. Đến nay, xã đã có gần 5.000 con gia súc; trong đó, trên 20 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò tập trung, góp phần làm thay đổi bộ mặt KT-XH trên địa bàn xã.

Không chỉ Nghị quyết 05, thời gian qua tỉnh, huyện đã triển khai, thực hiện nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo, như: Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về Phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 30/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện; Nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Ảng về phát triển cây ăn quả chất lượng cao theo hướng liên kết chuỗi.

Thông qua các nghị quyết đã giúp cho cán bộ, người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững. Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững. Bà Lò Thị Tính, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cho biết: Trước đây gia đình trồng lúa nương nhưng không hiệu quả. Thực hiện nghị quyết của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như: Bưởi da xanh, bưởi Thái Lan, xoài Đài Loan... Đến nay, một số diện tích cây đã cho thu hoạch, năng suất cao, hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác lúa nương.

Nhờ đó, ý thức của người dân trong xóa đói giảm nghèo đã thay đổi, tự lực vươn lên; nhiều hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo, như: Gia đình ông Lý A Phổng, bản Huổi Ho, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà); ông Khoàng Văn Né, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ)... Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Đến hết năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn 34,9%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 44,95% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà quan trọng nhất chính là sự nỗ lực của chính người dân, người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do đó, bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên hàng đầu và đẩy mạnh hơn nữa.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/199424/thay-doi-nhan-thuc-ve-xoa-doi-giam-ngheo