Thay đổi phương thức xác thực, tăng tính bảo mật cho khách hàng
Từ đầu tháng 7/2019, nhiều ngân hàng thương mại thay đổi phương thức xác thực trong các giao dịch trực tuyến - Ảnh: LÊ HẢO
Từ đầu tháng 7/2019, nhiều ngân hàng thương mại thay đổi phương thức xác thực trong các giao dịch trực tuyến theo hướng thông minh nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu cho khách hàng và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, đầu tháng 7 vừa qua, BIDV thông báo khách hàng cá nhân sử dụng phương thức xác thực smart OTP đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị trên 100 triệu đồng/ngày, trên BIDV Online, BIDV SmartBanking.
Tương tự, với tính năng xác thực Smart OTP, khách hàng của Vietcombank được phép giao dịch chuyển khoản, nạp tiền… với hạn mức tối đa 2 tỉ đồng/giao dịch và 2 tỉ đồng/ngày. Đại diện Vietcombank cho biết, Smart OTP được tích hợp trực tiếp trên thiết bị di động, có khả năng tạo ra mã xác thực OTP không cần kết nối mạng internet và có thể sử dụng bình thường khi khách hàng di chuyển ra nước ngoài hoặc điện thoại mất sóng.
Cũng thay đổi phương thức xác thực nhưng Agribank và VietinBank lại áp dụng Soft OTP, cung cấp ngay trên ứng dụng Mobile Banking. Với phương thức này, mã OTP được sinh ra ngẫu nhiên, duy nhất, không thể làm giả, hoặc can thiệp thay đổi nội dung mã và chỉ có hiệu lực trong vòng 30 giây. Đặc biệt, mã sẽ tự động điền sẵn trên màn hình giao dịch, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian thao tác.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng thực hiện chuyển đổi hoặc nâng cấp các hình thức xác thực. Đơn cử, Kienlongbank thay đổi phương thức xác thực từ SMS sang eToken với giao dịch hạn mức lớn hơn 100 triệu đồng/ngày. Còn MSB ra mắt hai tính năng đăng nhập, xác thực mới bằng sinh trắc học và Soft Token trên MSB Internet Banking và Mobile Banking.
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, những động thái trên nhằm tuân thủ theo Quyết định 630 của Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch áp dụng các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định này yêu cầu các ngân hàng phải phân loại các phương thức xác thực đối với giao dịch theo từng hạn mức. Đối với các giao dịch có hạn mức dưới 100 triệu đồng/ngày, các ngân hàng vẫn áp dụng phương thức xác nhận bằng mã OTP qua tin nhắn.
“Việc điều chỉnh hạn mức của các phương thức xác thực nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. Bên cạnh đó, đây là nỗ lực của các ngân hàng trong việc áp dụng công nghệ để gia tăng tính bảo mật, đảm bảo an toàn giao dịch trực tuyến cho khách hàng”, ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Kienlongbank Phú Yên nói.