Thay đổi quan trọng về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác. Nghị định có một số điểm mới quan trọng nhằm khắc phục hạn chế của quy định hiện hành.
Nhiều lần sửa đổi nhưng vẫn còn hạn chế
Nhằm “cởi trói”, tạo sự chủ động cũng như năng động trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các nguồn lực của đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 về chế độ tài chính áp dụng trong đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Nghị định số 10 có thể xem làm một bước “đột phá” trong tư duy quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 43 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định số 10 vì đã bộc lộ một số hạn chế. Tuy nhiên, đến năm 2015, Nghị định số 43 cũng cho thấy nhiều nội dung còn bất cập, không phù hợp thực tiễn nên tiếp tục bị bãi bỏ, thay thế bằng Nghị định số 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Nhìn lại cho thấy các nghị định nói trên đều được xây dựng trên nguyên tắc cho phép trong định mức biên chế, tài chính nhà nước giao, các đơn vị sự nghiệp công lập được chủ động xác định số lượng người làm việc tại đơn vị một cách hiệu quả; thực hành tiết kiệm chi tiêu, thực hiện các hoạt động để tăng nguồn thu tài chính với mục tiêu cuối cùng là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời có phần kinh phí dôi dư để tăng thêm thu nhập cho viên chức, người lao động trong bối cảnh chế độ tiền lương nhà nước còn thấp.
Trên thực tế, việc thực hiện các nghị định đã mang lại một số kết quả tích cực, như: Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực trong cung cấp dịch vụ công; tạo điều kiện sử dụng các thế mạnh về tài sản, nguồn lực tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường và quan trọng là phần lớn thu nhập của những người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập có phần tăng thêm so với trước đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, mặc dù đến Nghị định số 16 là đã qua 3 lần sửa đổi, nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy nghị định này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, do vậy, ngày 21/6/2021, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 60 với những thay đổi quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế này.
Quy định về nguồn tài chính
Nghị định số 16 quy định nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Để khắc phục hạn chế này, Nghị định số 60 bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công. Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.
Thay đổi trong hoạt động liên doanh, liên kết
Nghị định số 16 chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60 bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết.
Theo Nghị định số 60, đơn vị sự nghiệp công lập được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nghị định số 60 không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác.
Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh, liên kết, cụ thể: Đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết theo đề án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới, số tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.