Thay đổi ''số phận'' hạt cà phê
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng cùng tên nông hộ sản xuất, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý… được in trên bao bì từng sản phẩm. 7 năm nay, điều này được lặp lại ở hàng ngàn cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm cà phê Arabica của Tập đoàn UCC tại xứ sở mặt trời mọc và một số nước trên thế giới.
Niềm tự hào của nông dân Cầu Đất
Thắng giải với mẫu cà phê được đánh giá là ngon nhất trong cuộc thi tuyển chọn cà phê chất lượng năm 2021 do Tập đoàn UCC - tập đoàn cà phê số 1 tại Nhật Bản tổ chức, vợ chồng chị Lê Thị Chung và anh Lê Quang Vinh (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) chẳng giấu nổi niềm vui lẫn sự ngại ngùng. Đây là lần đầu tiên anh chị được vinh danh bởi công việc mà mình vẫn làm nhiều năm nay, đó là trồng cà phê.
“Năm đầu tiên nhà mình tham gia thử xem chất lượng hạt cà phê do mình sản xuất chất lượng thế nào, không ngờ tới lại đạt kết quả xuất sắc như vậy”, anh Lê Quang Vinh vui mừng nói.
Nhìn cách chị Lê Thị Chung ngồi trước máy tính để giao lưu, chia sẻ cảm xúc của mình với những người ở đất nước Nhật Bản xa xôi, nhiều người vui mừng trước cố gắng thay đổi từ những điều nhỏ nhặt trong sản xuất cà phê Arabica của gia đình chị.
“Mình tự hào về sản phẩm mình làm ra, càng tự tin hơn vào cách mình đang làm và đã theo đuổi. Nhiều người muốn mình tập trung cho sản lượng, nhưng mình chỉ muốn làm để có chất lượng tốt nhất trong khả năng”, chị Chung chia sẻ. Trước thành quả này, anh chị quyết tâm tiếp tục làm sản phẩm cà phê chất lượng hơn trong những năm tiếp theo.
Từ 21 hộ nông dân ban đầu, con số tăng dần đến hàng trăm người trồng cà phê ở TP Đà Lạt và vùng phụ cận dần thay đổi thói quen canh tác, sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất theo hướng hữu cơ để làm ra những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Theo anh Trần Nhật Quang - Giám đốc Công ty Cà phê Là Việt, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản lượng cà phê. Và Lâm Đồng lại có lợi thế về cà phê Arabica, loại cà phê đặc sản được thế giới đánh giá cao. Trong suốt 7 năm nay, hành trình đi tìm giá trị đích thực của cà phê Arabica giúp người nông dân ý thức hơn về việc mình đang làm và cái mình đang có.
“Chúng tôi đã bắt đầu từng bước một cách rất chậm rãi để đến nay giá trị hạt cà phê Việt Nam đã được ghi nhận và có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay các nước châu Âu. Chúng ta đã làm được một điều đó là thay đổi số phận hạt cà phê. Tất cả phải trông cậy và bắt nguồn từ người nông dân khi chính họ bắt đầu quan tâm đến việc làm sao để có được hạt cà phê ngon”, anh Trần Nhật Quang chia sẻ.
Vinh danh người trồng
Đồng hành cùng cuộc thi từ những năm đầu tiên, ông Nguyễn Dương Châu, Trưởng bộ phận Chất lượng của Tập đoàn UCC tại Việt Nam khẳng định rằng chất lượng hạt cà phê Arabica của các nông hộ ngày càng được cải tiến và nâng cao. Những năm trước, dù là hạt cà phê được đánh giá cao nhất cũng không cho ra hương vị ngon như bây giờ. Mỗi năm từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến… đều được từ từ cải thiện từng chút một.
Những mẫu cà phê gửi đến dự thi sau khi sơ chế được ban tổ chức rang đúng tiêu chuẩn quốc tế. Khi mang ra thi, các mẫu cà phê được xay tại chỗ trước sự chứng kiến của nông dân, sau đó được các giám khảo là chuyên gia pha chế cà phê đến từ nhiều quốc gia, khu vực cảm nhận mùi vị trọn vẹn từ khi mới xay cho đến khi được pha chế thành thức uống. Các chuyên gia đánh giá mức độ ngon của cà phê dựa theo các tiêu chí đánh giá cà phê ngon như tại các cuộc thi cà phê trên thế giới.
Anh Trần Nhật Quang, đại diện ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Cuộc thi chủ yếu cho người nông dân chứng kiến cà phê sẽ được chế biến thành những thức uống đa dạng nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Nếu sản xuất đúng quy trình thì sản phẩm sẽ được đón nhận và được mua với mức giá cao phù hợp với công sức đã bỏ ra. Đến giờ này có thể khẳng định cà phê Việt Nam rất ngon, đặc biệt cà phê thủ công của Việt Nam được đánh giá rất cao”.
Toàn bộ các mẫu đạt chất lượng được Tập đoàn UCC mua về Nhật Bản và rang xay, bày bán trong chuỗi coffee shop của UCC. Theo anh Trần Nhật Quang, việc tôn vinh người làm cà phê ngon như một động thái tri ân dành cho nông dân - những người một nắng hai sương, lúc nào cũng đau đáu với từng gốc cây, mảnh vườn của mình.
“Đây là hoạt động tôn vinh người nông dân, ghi nhận sự đóng góp chân thành của họ cho nông nghiệp Việt Nam. Sự nỗ lực của họ trong cả một hành trình sản xuất phải được ngành cà phê ghi nhận và đền đáp xứng đáng bằng cách đưa tên tuổi cùng hình ảnh quốc gia đi khắp nơi”, ông Nguyễn Dương Châu cho biết thêm.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/thay-doi-so-phan-hat-ca-phe-3059365/