Thay đổi thói quen không tốt để phòng ngừa bệnh ưng thư

Ngoài yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, chế độ ăn, lối sống không lành mạnh góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, mỗi người cần thay đổi thói quen không có lợi cho sức khỏe, thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị.

Tại hội thảo khoa học về công tác phòng và điều trị bệnh ung thư do Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tổ chức, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, khảo sát năm 2018, thế giới có trên 164.000 người mắc bệnh ung thư mới và trên 114.000 người tử vong do bệnh ung thư. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh và tử vong cao hơn nữ giới. Nam giới thường mắc các bệnh ung thư như gan, phổi, dạ dày, ruột già, vòm họng. Nữ giới thường mắc ung thư như vú, ruột già, phổi, dạ dày, gan...

Thực tế ở nước ta, đa số người dân coi ung thư là căn bệnh tử thần nhưng lại ít người quan tâm đến việc phòng tránh ung thư. Theo thống kê của chương trình phòng, chống ung thư quốc gia, 80% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Điều này khiến việc điều trị có khả năng thành công thấp, làm giảm cơ hội sống của người bệnh và tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, mỗi năm có 10.200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ung thư, trong đó trên 2.000 bệnh nhân ung thư điều trị nội trú. Thạc sĩ, bác sĩ Hàng Quốc Tuấn - Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Bệnh ung thư sinh ra từ đột biến gen; ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào bất thường. Ung thư có thể phát sinh ở bất cứ tế bào nào trong cơ thể. Nếu phát hiện sớm, bệnh ung thư có thể điều trị khỏi, kéo dài đời sống và cải thiện chất lượng sống sau điều trị”.

Người bệnh điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang

Người bệnh điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang

Đang điều trị bệnh ung thư vú tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, chị T.Q (34 tuổi), ngụ huyện Giồng Riềng chia sẻ: “Lúc đầu, tôi thấy ở nách nổi mụn nhỏ, sờ không đau, đi khám bệnh thì phát hiện mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Tôi được bác sĩ phẫu thuật và đang hóa trị, sức khỏe ổn định”.

Do không kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khi phát hiện bệnh ung thư đại tràng đã ở giai đoạn ba, ông L.V.C, ngụ huyện An Biên nói: “Lúc đầu, tôi hay bị đau bụng, mua thuốc uống thì hết; cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy kéo dài 4 tháng thì tôi uống thuốc không còn tác dụng, tôi đến Bệnh viện Đa khoa Giang khám thì phát hiện mắc bệnh ưng thư, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u và tôi đang tiếp tục hóa trị để phục hồi sức khỏe”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hàng Quốc Tuấn, hiện Khoa Ung bướu có khoảng 100 giường bệnh với đội ngũ bác sĩ được đào tạo cơ bản và chuyên sâu về ung bướu; trang thiết bị được đầu tư đầy đủ từ khâu chẩn đoán đến điều trị như máy xạ trị gia tốc tuyến tính, máy PET/CT, máy SPECT... đủ sức thực hiện các liệu pháp điều trị đa mô thức theo quan niệm hiện đại gồm: Phẫu trị, hóa trị, xạ trị... và chăm sóc giảm nhẹ. Việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí của khối u, giai đoạn của bệnh cũng như tổng trạng của bệnh nhân nhằm đem đến sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

Đa số bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đều nhập viện trễ nên gây khó khăn cho công tác điều trị và tốn nhiều chi phí. Bệnh ung thư là căn bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao. Tuy nhiên, 40% người mắc bệnh ung thư có thể phòng ngừa được bằng cách: Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giữ cân không để béo phì; thường xuyên tập luyện thể dục, nâng cao sức đề kháng...

Ngoài ra, bệnh ung thư thường không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt nên người dân, nhất là đối tượng thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh ung thư cao nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/thay-doi-thoi-quen-khong-tot-de-phong-ngua-benh-ung-thu-5534.html