Thay đổi thói quen vì mục tiêu lớn

Từ ngày mai (1-9-2019), các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị cùng các cá nhân trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện chủ trương này với nhiều hình thức thiết thực. Tất cả đã, đang và sẽ nỗ lực thay đổi thói quen vì mục tiêu lớn.

Các cơ quan, công sở Hà Nội tích cực triển khai các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Trong ảnh: Một cuộc họp của Văn phòng Quận ủy Hà Đông không sử dụng nước uống đựng bằng chai nhựa. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều cơ quan, công sở tiên phong thực hiện

Trong lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa được tổ chức tại thành phố Hà Nội đầu tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cùng chung tay chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Hưởng ứng phong trào, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa.

Mới đây, ngày 19-8-2019, UBND thành phố đã có Công văn số 3549/UBND-ĐT về việc “Thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố”. UBND thành phố yêu cầu, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa từ ngày 1-9-2019. Cụ thể, các công sở thực hiện cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; không dùng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) khi tổ chức họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác...

Đến nay, nhiều đơn vị đã chủ động thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố. Ngay sau lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Quận ủy Hà Đông đã không sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong các cuộc họp. “Văn phòng Quận ủy đã mua 250 chai thủy tinh để phục vụ các cuộc họp của quận. Hiện, cấp ủy, chính quyền các phường, đoàn thể trên địa bàn quận cũng đã, đang thực hiện theo”, Chánh Văn phòng Quận ủy Hà Đông Nguyễn Sĩ Hoạt thông tin.

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các cuộc họp của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đều có nhân viên rót nước từ bình lớn vào cốc thủy tinh cho các đại biểu sử dụng. Tương tự, các kỳ họp HĐND thành phố cũng chỉ dùng cốc sứ, cốc thủy tinh, tuyệt đối không dùng chai nước nhựa.

Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Trường Sơn, Chánh Văn phòng HĐND thành phố Hà Nội Lê Minh Đức đều cho biết, từ ngày 1-9, đơn vị tuyệt đối không dùng chai nước nhựa trong mọi cuộc họp; đồng thời quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần tại gia đình...

Trong một cuộc họp ngày 26-8 vừa qua, UBND huyện Chương Mỹ không dùng chai nhựa như trước đây. Anh Lê Văn Tâm, một người tham dự cuộc họp, chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ vì mấy hôm trước phòng họp này vẫn dùng chai nhựa mà nay đã thay toàn bộ bằng chai thủy tinh, nhìn lịch sự và sạch sẽ”.

Việc không sử dụng nước uống đóng chai nhựa ở công sở cũng được nhân viên phục vụ nhận thức rõ ý nghĩa và sẵn sàng thực hiện. Chị Vũ Thị Thanh Nhàn, nhân viên Văn phòng Huyện ủy Ba Vì, cho biết: “Tôi đến cơ quan sớm hơn để đun nước pha chè tươi phục vụ hội nghị. Từ khi Văn phòng Huyện ủy chỉ đạo chuyển sang uống nước chè tươi thay nước đóng chai, các đại biểu đều khen ngợi”. Tương tự, chị Bùi Thị Phượng, nhân viên Văn phòng Quận ủy Hà Đông nói: “Dùng chai thủy tinh thì nhân viên phục vụ phải cẩn thận hơn nhưng sau một tuần là tôi quen công việc”.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Một giải pháp quyết liệt đã được UBND thành phố đưa ra trong Công văn số 3549/UBND-ĐT đó là, từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến và Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cùng cho rằng: Không chỉ có nước uống đóng chai nhựa, mà các cơ quan sẽ không sử dụng cặp nhựa đựng tài liệu, chuyển sang dùng bìa, kẹp ghim…

Nhiều cơ quan, công sở của thành phố Hà Nội đựng nước uống bằng bình thủy tinh. Ảnh: Thái Hiền

Việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa còn góp phần tiết kiệm ngân sách. Chánh Văn phòng Quận ủy Hà Đông Nguyễn Sĩ Hoạt cho biết, nếu dùng nước đóng chai nhựa loại 330ml thì trung bình mỗi tháng, đơn vị phải mua khoảng hơn 10 thùng (mỗi thùng 24 chai).

Sau cuộc họp, dù hết hay còn nước trong chai thì cũng vứt bỏ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Khi chuyển sang sử dụng chai thủy tinh đã tiết kiệm hơn rõ rệt... Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái ước tính, việc không sử dụng nước uống đóng chai nhựa tiết kiệm 50% kinh phí phục vụ nước uống trong các cuộc họp.

Tích cực hưởng ứng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Hoàng Long cho biết, không chỉ đã triển khai trong các cuộc họp của Báo, Giải chạy Báo Hànôịmới mở rộng lần thứ 46 - Vì hòa bình năm 2019 tới đây cũng sẽ không dùng chai nước nhựa và không thả bóng bay... nhằm lan tỏa thông điệp giảm thiểu chất thải có hại tới môi trường trong cộng đồng.

Trong Công văn số 3579/SGDĐT-VP, ngày 19-8-2019, về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019-2020, Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh không sử dụng, xả thải những vật dụng làm bằng ni lông ra môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần…

Tin tưởng rằng, các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa được các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố thực hiện nghiêm túc tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng, sớm tạo thành phong trào sâu rộng. Qua đó, thành phố Hà Nội đóng góp tích cực vào mục tiêu vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững.

Góc nhìn

Hạt nhân lan tỏa

Chí Kiên

(HNM) - Chung tay bảo vệ môi trường, toàn thành phố nói chung và các công sở của Hà Nội nói riêng đang có những việc làm thiết thực để hạn chế, tiến tới giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc làm này đã, đang được lan tỏa, tạo thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng. Xem tiếp »

Phong Thu - Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/944136/thay-doi-thoi-quen-vi-muc-tieu-lon