Thay đổi tình trạng môi trường đang ô nhiễm hiện nay

Chiều 18-6, thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường về việc kêu gọi xã hội hóa để bảo vệ môi trường và đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và UBND cấp tỉnh, tránh chồng chéo và đổ lỗi trong phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với việc xử lý giảm thiểu khí thải tác động xấu đến môi trường để thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tình trạng người dân phản ánh là ô nhiễm "không hít thở nổi, sống không nổi".

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, môi trường không khí ở đô thị chịu áp lực rất lớn của sinh hoạt cũng như sản xuất, đông dân cư. Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, ô nhiễm không khí luôn giữ vị trí “quán quân” về chỉ số môi trường không khí tại các thành phố lớn. Vì vậy, cần quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường ở những thành phố lớn, khu dân cư, nhất là khu vực thường xuyên chịu áp lực ô nhiễm do khói bụi, trong đó cần quy định rõ tỷ lệ đất dành cho cây xanh, công viên.

Đối với khu vực nông thôn, miền núi, sản xuất nông nghiệp, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề lo ngại là sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Vì vậy, cần có chính sách riêng về bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn, kiên trì sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Đại biểu Lưu Bình Nhương. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Lưu Bình Nhương. Ảnh: Đức Nghĩa

Thống nhất với vấn đề trả tiền theo mức độ phát thải được quy định trong Dự thảo Luật, tuy nhiên theo đại biểu Nhưỡng, cần nghiên cứu cơ chế kiểm tra giám sát việc thực hiện để bảo vệ chính xác, nâng cao ý thức người dân, xây dựng văn hóa về môi trường, tăng cường vai trò kiểm soát của trưởng thôn, trưởng bản, xóm dân cư, làng nghề để thực hiện nghiêm và hiệu quả của quy định này.

“Ở nước ta, đi bất kỳ một dòng sông nào, kênh ngòi nào, mương mán nào, bờ ruộng nào cũng có rác. Đêm bà con đem rác ra đổ, ném xác súc vật thối, rồi các cơ sở làng nghề tháo chất thải ra đó mà không kiểm soát được. Tôi cho rằng cần nhất là xây dựng văn hóa, đạo đức về môi trường” - đại biểu Bến Tre nói.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường lần này ban hành phải mang tính khả thi, làm thay đổi tình trạng môi trường đang ô nhiễm hiện nay, đáp ứng nguyện vọng có bộ luật tốt để các dự án đầu tư mới được sàng lọc, bảo đảm cho sự phát triển tốt hơn.

“Trong dự thảo Luật, Nhà nước xác định vai trò chủ đạo trong giải quyết những vấn đề có từ trước do lịch sử để lại, những vấn đề môi trường đang bức xúc hiện nay. Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân để đưa các chính sách dần dần do chính người dân và doanh nghiệp thực hiện. Chúng ta sẽ chuyển cán cân từ Nhà nước chủ đạo dần dần sang xã hội hóa để đầu tư cho môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thay-doi-tinh-trang-moi-truong-dang-o-nhiem-hien-nay-post429992.html