Thay đổi tư duy phục vụ người dân

Hôm nay 19-8, theo kế hoạch, dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương, đồng thời với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hôm nay 19-8, theo kế hoạch, dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương, đồng thời với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ðây được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa vào thông tin, số liệu từ văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong lĩnh vực cải cách hành chính là tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Chúng ta đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo tập trung, hoàn thiện hệ thống thể chế nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với tất cả các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Ðây là hệ thống quan trọng để thúc đẩy việc gửi, nhận thông tin, dữ liệu về văn bản điện tử, chế độ báo cáo, dịch vụ công,… và xử lý công việc trên môi trường mạng. Ðến nay có hơn 2,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm. Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn tám tháng vận hành đã kết nối 18 bộ, cơ quan, toàn bộ 63 địa phương và tám ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử;... tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất". Chính vì vậy, trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả bước đầu rất khích lệ trên nhiều phương diện. Lợi ích của hệ thống và trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số, thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả. Việc khai trương hệ thống và trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.

Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành. Trong giai đoạn hiện nay, cả nước nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, không để nền kinh tế đứt gãy thì việc đổi mới phương thức làm việc nêu trên đã phục vụ người dân và doanh nghiệp rất hiệu quả mà không phải đầu tư lớn, góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến "phi" thời gian, địa giới hành chính; tăng cường giám sát, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định, để hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, đòi hỏi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự vì người dân và doanh nghiệp, không được "quyền anh, quyền tôi"; nâng cao đạo đức, công vụ của cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những người gây phiền hà, tiêu cực.

TÙNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/thay-doi-tu-duy-phuc-vu-nguoi-dan-613420/