Thay đổi tư duy với trồng dưa lưới vốn lớn nhưng lời cao

Mô hình trồng dưa lưới hiện nay không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.

Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao đang có xu hướng phát triển. Không chỉ ngày càng mở rộng quy mô, các HTX nông nghiệp luôn nỗ lực học hỏi để nâng cao giá trị kinh tế và giúp xóa đói, giảm nghèo cho thành viên và người lao động.

Thành công với mô hình dưa lưới công nghệ cao

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, nhiều địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình giảm nghèo.

HTX nâng cao giá trị kinh tế giúp xóa đói, giảm nghèo cho thành viên và người lao động.

HTX nâng cao giá trị kinh tế giúp xóa đói, giảm nghèo cho thành viên và người lao động.

Tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, HTX nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn đã thành lập Tổ hợp tác dưa lưới để hỗ trợ các thành viên từ quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với 30 thành viên canh tác tại 36 nhà màng trên diện tích gần 2 ha.

Ông Nguyễn Văn Ơn, ở thôn Xuân Sơn, thành viên của HTX cho biết: Trồng dưa lưới trong nhà màng, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại cho thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao. Thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 2 - 3 vụ/năm nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nên dưa lưới của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Ngay vụ dưa lưới đầu tiên, gia đình đã thu về trên 90 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định.

Ông Nguyễn Tiến Phúc, một thành viên khác của HTX trước đây cũng canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng thấp. Sau khi nhận thấy các thành viên trong Tổ hợp tác trồng dưa lưới trong nhà màng có lợi nhuận cao, ông quyết định đầu tư xây dựng 500m² nhà màng để trồng dưa lưới.

Đầu năm 2021, ông bắt đầu xuống giống vụ dưa lưới đầu tiên với 2 loại dưa vàng và dưa xanh. Vụ thu hoạch đầu tiên sau khi trừ chi phí, gia đình ông vẫn lãi ròng hơn 45 triệu đồng.

Dưa lưới rất mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại nên việc chăm sóc đòi hỏi cẩn thận, tỉ mỉ. Do vậy, dưa lưới của HTX Bắc Sơn được trồng với quy trình chăm sóc hết sức nghiêm ngặt. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, gieo hạt, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng cho đến khi thu hoạch.

Hiện, dưa lưới của HTX được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số thị trường lớn trong cả nước. Với mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, dưa lưới của HTX thu hoạch đến đâu hết đến đấy. Được biết, ngay vụ đầu tiên, HTX đạt sản lượng khoảng 40 tấn dưa, thu về trên 800 triệu đồng.

Giám đốc Trần Hậu Nhân chia sẻ, HTX đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, củng cố, hỗ trợ các thành viên thực hiện tốt theo quy trình, do đó dưa Bắc Sơn ngày càng có vị thế trên thị trường và được nhiều người biết đến và tin dùng.

Bên cạnh đó, HTX đang ngày càng mở rộng diện tích sản xuất dưa lưới hướng tới đạt sản phẩm OCOP 4 sao, kết nạp thêm nhiều thành viên để HTX ngày càng lớn mạnh và nhiều người có được cơ hội phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Nâng cao cả “chất” và “lượng”

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, có khoảng 65% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để tăng thêm số HTX “ăn nên làm ra”, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì bản thân các HTX nông nghiệp cũng cần phải tự nâng cao chất lượng hoạt động bằng cách tăng cường năng lực quản lý, áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất.

HTX giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống thành viên.

HTX giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống thành viên.

Ghi nhận tại HTX Nga Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ năm 2018, HTX mạnh dạn đầu tư 2.000 USD/tháng để thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel về trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trồng dưa lưới trong nhà màng trong 3 tháng liên tục cho thành viên.

Với quy mô 4 nhà màng, mỗi năm HTX trồng 3 lứa dưa, sản lượng từ 12-15 tấn/lứa, lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Theo Giám đốc HTX Lê Văn Bình, chế độ dinh dưỡng cung cấp cho dưa lưới đều được tự động hóa. Công nhân thao tác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa. Ngoài ra, việc kiểm tra độ ngọt của dưa đều có máy móc đảm nhận, nhờ vậy dưa lưới Nga Hải luôn đạt yêu cầu cao về chất lượng.

Năm 2022, thu nhập của các thành viên bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/tháng, HTX tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo đà cho người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đánh giá, thực hiện mục tiêu xóa đói, giàm nghèo, những năm gần đây, mô hình trồng dưa lưới được nông dân nhiều nơi đầu tư phát triển. Đặc biệt, nhiều HTX đã hoạt động ổn định, hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản theo chuẩn OCOP, tạo thêm những sản phẩm chủ lực mới cho địa phương, từ đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

“Các mô hình giảm nghèo tại các địa phương thời gian qua đã tạo động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước ổn định cuộc sống”, ông Thắng cho hay.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thay-doi-tu-duy-voi-trong-dua-luoi-von-lon-nhung-loi-cao-1091521.html