Thay đổi tư duy vốn FDI

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nhân tố cần thiết để tăng trưởng kinh tế. Song để phát triển kinh tế bền vững cần nhiều yếu tố tổng hợp khác, không thể chỉ dựa vào nguồn vốn FDI.

Còn nhiều hạn chế

Theo số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ 2017; có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ 2017. Tính đến 20-9-2018, các dự án FDI ước giải ngân được 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2017.

Cái gì cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực, vốn FDI cũng vậy. Vấn đề là chúng ta phải thay đổi tư duy về nguồn vốn này, tức phải thay đổi cách quản lý nó sao cho phù hợp và hiệu quả.

PGS.TS Trần Đình Thiên

Về vai trò của nguồn vốn FDI, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận xét ở góc độ vĩ mô, FDI có ảnh hưởng tới nền kinh tế ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội. Đối với các nước nghèo hay các nước đang phát triển như Việt Nam, kỳ vọng lớn nhất của việc thu hút FDI chủ yếu nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu này được thực hiện thông qua tác động tích cực của FDI đến các yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng, như bổ sung nguồn vốn trong nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm, thúc đẩy xuất nhập khẩu và tiếp cận với thị trường thế giới cũng như tạo liên kết giữa các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, bên cạnh mặt tích cực FDI mang lại, cần cảnh giác, tìm biện pháp để hạn chế các mặt tiêu cực song hành. “Nhìn thấy rõ nhất là vấn đề môi trường. Trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều DN FDI chỉ chú trọng khai thác tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo như khai thác mỏ khoáng sản, đã tàn phá môi trường tự nhiên nhưng không đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả.

Formosa là bài học điển hình cho Việt Nam” - ông Thiên dẫn chứng và nhấn mạnh cần quan tâm vấn đề lao động trong DN FDI. Nhiều năm qua DN FDI thu hút khoảng 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động trong các khâu gián tiếp khác.

Tuy nhiên, hoạt động của các dự án FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất, tạo áp lực xã hội cho địa phương có liên quan. Đặc biệt, thu hút lao động của DN FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động giá rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xét về mặt tổng thể DN FDI đóng góp nguồn vốn không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế 50% DN FDI liên tục khai kinh doanh bị lỗ, và phần lớn liên doanh đã chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, là hiện tượng không bình thường, đã lạm dụng chính sách ưu đãi và cơ chế chuyển giá, gây thiệt hại cho ngân sách.

Tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ đất, bán dự án khá phổ biến, khiến công tác quản lý tài nguyên và đất đai thêm khó khăn. Đây là những điểm hạn chế trong quản lý vốn FDI cần có giải pháp khắc phục.

Phải coi trọng nội lực
Trao đổi với ĐTTC, GS. Trần Văn Thọ, giảng viên kinh tế Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã thẳng thắn chia sẻ ông cảm thấy sốt ruột vì sự phát triển chậm chạp của Việt Nam bởi các rào cản từ thể chế, chính sách chưa hoặc ít được thay đổi phù hợp.

Một trong những hạn chế lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay là tốc độ tăng trưởng đang phụ thuộc vào vốn FDI, trong khi nội lực chưa được phát huy tương xứng. Đặc biệt, việc kêu gọi đầu tư FDI nhiều năm qua chủ yếu chạy theo thành tích về số lượng dự án, vốn đăng ký.

“Kênh đầu tư vốn FDI chiếm tới 50% sản xuất công nghiệp, 70% xuất khẩu, như vậy quá lớn. Chúng ta là nước nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng lại phụ thuộc như vậy là không ổn” - GS. Thọ băn khoăn.

Theo GS. Trần Văn Thọ, FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, trong đó quy định những ngành, những lĩnh vực cần thu hút FDI. Thông thường những ngành DN trong nước chưa có khả năng đầu tư nhưng xét thấy có lợi thế so sánh trong tương lai và thị trường thế giới đang lớn mạnh, phải tích cực tiếp thị để kêu gọi FDI vào những ngành đó.

Khi nước ngoài đến đầu tư, cần theo dõi, tạo điều kiện để các dự án đó phát triển thành công. Trong dài hạn lợi thế so sánh cũng thay đổi và những ngành cần phát triển cũng thay đổi. Theo đó, cùng với FDI, việc huy động và phát triển nội lực kinh tế cũng rất quan trọng. Ở phương diện này, FDI đóng vai trò chất xúc tác cho kinh tế trong nước phát triển.

“Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế tư nhân đóng góp 40-60% GDP trong tổng số thu nhập quốc dân. Muốn làm được điều này chúng ta phải đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN nhanh. Và để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, chiến lược thu hút FDI phải thường xuyên thay đổi theo hướng khuyến khích DN nước ngoài đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng công nghệ và tri thức nhiều.

Mặt khác những ngành DN trong nước có thể hoặc có khả năng sẽ đầu tư phải hạn chế FDI hoặc cho phép FDI với điều kiện liên doanh với DN trong nước” - GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/thay-doi-tu-duy-von-fdi-61937.html