Thấy gì đằng sau vụ đổ bể của GFDI?

Vụ việc Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI trụ sở tại Đà Nẵng huy động 3.500 tỷ đồng với lãi suất cao của người dân khắp cả nước dẫn tới đổ bể, mất khả năng thanh toán đã làm chấn động dư luận những ngày qua. Đằng sau vụ việc này là gì, liệu 7.541 khách hàng ở nhiều địa phương cả nước có rơi vào nguy cơ trắng tay? Dưới đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Chuyên đề Công an thành phố Đà Nẵng.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

+ PV: Công an TP Đà Nẵng thông tin, từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay Nguyễn Quang Hoàng (Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty) đã xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Xin luật sư cho biết mô hình kinh doanh của GFDI bất thường ở điểm nào? Có lỗ hổng nào về pháp lý nên chưa thể quản lý, xử lý vấn đề này kịp thời hay không?

+ Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, mức lãi tiền gửi ngân hàng thương mại trung bình ở mức từ 3,5 đến 7%/năm nên nhu cầu gửi tiền để có lãi suất cao hơn của người dân khá lớn. Đánh vào tâm lý này, Công ty GFDI đã tung ra các gói huy động vốn ở mức lãi suất cao, có thể từ 30-50%/năm đối với khoản tiền gửi. Để né tránh việc huy động vốn với lãi suất cao, họ còn ghi luôn tiền lãi suất vào vốn gốc làm cho người cho vay tiền càng tin tưởng. Lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định của Nhà nước chính là bất thường lớn nhất đối với hoạt động huy động vốn. Trước đây, có một số nhà đầu tư đến nhờ chúng tôi tư vấn thì chúng tôi cũng đã cảnh báo vấn đề này cho họ để tránh bị thiệt hại.

Dưới góc độ pháp lý, việc huy động vốn qua các hợp đồng vay tài sản như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, quy định lãi suất vay không được vượt quá 20% mỗi năm trừ khi pháp luật có quy định khác. Với mức lãi suất 30-50% như của GFDI, có dấu hiệu vi phạm quy định này. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, một doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư nhưng phải đảm bảo minh bạch thông tin và có phương án khả thi về mặt tài chính. Trường hợp GFDI huy động vốn với mức lãi suất vượt quá năng lực chi trả của công ty, mô hình này không được xem là đầu tư an toàn mà tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi có dấu hiệu lạm dụng niềm tin của người dân.

Có nhiều lỗ hổng pháp lý trong quản lý và giám sát các công ty huy động vốn dẫn đến việc 7.500 khách hàng của GFDI có nguy cơ mất trắng. Một số vấn đề đáng nói đến ở đây đó là thiếu quy định chặt chẽ về huy động vốn cá nhân: Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định về việc huy động vốn và lãi suất tối đa (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), nhưng một số công ty vẫn lách luật bằng cách sử dụng "hợp đồng vay tài sản" như một hình thức huy động vốn. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát các công ty đưa ra lãi suất bất thường.

Cơ quan Công an khám xét trụ sở GFDI ngày 8-11.

Cơ quan Công an khám xét trụ sở GFDI ngày 8-11.

Bên cạnh đó, một lỗ hổng nữa là việc thiếu giám sát về tính hợp pháp của các mô hình kinh doanh tài chính, đơn cử như các công ty có thể đăng ký kinh doanh dưới dạng "tư vấn đầu tư", nhưng lại thực hiện hoạt động huy động vốn với cam kết lãi suất cao mà không có sự kiểm soát từ cơ quan chức năng. Ngoài ra còn có các lỗ hổng trong công tác kiểm tra tài chính và năng lực của công ty; Thiếu cơ chế bảo vệ và cảnh báo cho nhà đầu tư cá nhân; Khung xử lý hành vi lừa đảo tài chính chưa đủ mạnh… Những vấn đề này tạo cho các công ty tài chính nói chung lợi dụng, triển khai các mô hình kinh doanh không bền vững và khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt với nguy cơ mất toàn bộ số vốn góp.

+ PV: Xin luật sư cho biết những khách hàng đã đầu tư vốn vào GFDI có cơ hội nào để thu hồi không? Thời điểm này họ cần làm gì?

+ Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Vụ việc xảy ra tại Công ty GFDI là đáng báo động, không chỉ do quy mô lớn về số lượng khách hàng và tổng số vốn đã huy động, mà còn về phương thức huy động vốn và lãi suất mà GFDI đưa ra. Những cá nhân, tổ chức đã cho GFDI mượn tiền, góp vốn có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại số tiền đã vay, góp dựa trên các hợp đồng đã ký. Hiện nay, vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng điều tra, làm rõ vì vậy các cá nhân, tổ chức đã có Hợp đồng với GFDI được quyền làm các đơn trình báo, tố giác gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng để được xem xét, giải quyết.

Trong giai đoạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ hành vi của Công ty GFDI, vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong Công ty để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa các tài sản của Công ty GFDI hoặc có nguồn gốc từ tiền huy động của các cá nhân, tổ chức để sau này hoàn trả lại cho các chủ nợ, bao gồm khách hàng. Trường hợp vụ việc bị khởi tố, đưa ra xét xử thì Tòa án cũng sẽ xem xét phần dân sự trong vụ án hình sự để tuyên trả lại tài sản cho những người bị hại.

Người dân và khách hàng tập trung bên ngoài trụ sở GFDI khi Công an thực hiện khám xét khẩn cấp bên trong trụ sở.

Người dân và khách hàng tập trung bên ngoài trụ sở GFDI khi Công an thực hiện khám xét khẩn cấp bên trong trụ sở.

+ PV: Từ vụ việc GFDI, Luật sư có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào các hoạt động góp vốn như vậy không?

+ Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Đầu tư tài chính được xem là lĩnh vực mạo hiểm và luôn tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư có hiểu biết nhất định về lĩnh vực mình tham gia. Đặc biệt, đối với những người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tham gia góp vốn vào các công ty hứa hẹn lợi nhuận cao vượt trội thường chứa đựng nhiều nguy cơ. Những mức lãi suất hứa hẹn cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng, như 30-50%/năm mà không rõ nguồn lợi nhuận chính từ đâu, cần được xem xét kỹ lưỡng vì chúng có thể là dấu hiệu của mô hình lừa đảo tài chính.

Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý, năng lực của các công ty, bao gồm giấy phép hoạt động, thời gian hoạt động và các dự án cụ thể mà công ty cam kết đầu tư để xem xét tính minh bạch, khả thi. Việc công ty có một lịch sử hoạt động đáng tin cậy, minh bạch về tài chính và có khả năng sinh lời thực sự là những điểm rất quan trọng mà nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định góp vốn.

Nếu trong quá trình tìm hiểu mà thấy có bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào - chẳng hạn như thông tin mập mờ về dự án, cách thức trả lãi không rõ ràng, hoặc các điều khoản pháp lý không cụ thể… thì người dân nên cẩn trọng và tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia pháp lý hoặc tài chính trước khi quyết định. Đây là những bước giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng nhà đầu tư không bị lôi kéo vào những mô hình lừa đảo hay những công ty không có khả năng chi trả về lâu dài.

+ PV: Cảm ơn luật sư đã chia sẻ.

HẢI QUỲNH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thay-gi-dang-sau-vu-do-be-cua-gfdi-post304195.html