Thấy gì khi hàng giảm giá dịp Black Friday?

Black Friday - ngày thứ 6 đen tối – xuất phát từ nước Mỹ với việc giảm giá 'khủng' nhiều mặt hàng. 'Phong trào' này đã lan rộng ra nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên thị trường, nhiều sản phẩm từ thời trang, giày dép đến đồ gia dụng, điện tử ồ ạt căng biển giảm giá. Nhưng sự thật ra sao?

Nhiều cửa hàng quần áo trưng biển giảm giá mạnh dịp Black Friday.

Black Friday năm nay là ngày 29/11 nhưng ngay từ đầu tháng 11, nhiều cửa hàng đã trưng biển giảm giá sâu, giảm giá khủng nhằm thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm.

Dạo quanh một vòng các phố của Hà Nội như Bà Triệu, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy… băng rôn quảng cáo giảm giá được treo đỏ chót vô cùng bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng. Những tấm biển “sale khủng”, “giảm giá sốc”, giảm giá 50%, Mua một tặng một, thậm chí giảm đến 80%... là những điểm thu hút đông đảo người tiêu dùng đến xem hàng.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Lê Minh, nhân viên ngành ngân hàng (ở phố Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, làm việc cả năm chỉ mong đến dịp Black Friday để đi săn hàng giảm giá. “Nếu chịu khó “canh” hàng trên mạng cũng như dành thời gian đi lùng hàng giảm giá, sẽ gặp được nhiều món hàng như ý với giá rất dễ chịu”- anh Minh cho biết, liền đó, anh khoe vừa săn được một chiếc đồng hồ “xịn” trên mạng với giá đã giảm tới 50%.

Cũng giống như anh Minh, nhiều bạn trẻ khác “nhịn” sắm sửa cả một năm chỉ để chờ ngày giảm giá sốc là ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11 trong năm (Black Friday). Đặc biệt, thời trang là lĩnh vực được giới trẻ “săn” nhiều nhất vào dịp này. Chị Trần Thanh Thanh, ở phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, một số hãng thời trang nổi tiếng như Format, Ivy, Nem, Elise… bình thường có giá rất cao, phải tiền triệu mới có thể mua được một món đồ thời trang, nhưng dịp này họ giảm giá khá sâu. Chị Thanh nói và không quên khoe chiếc váy vừa mua được ở hãng thời trang Ivy với giá giảm đến 70%.

Tuy nhiên, không phải tín đồ mua sắm nào săn hàng ngày này cũng gặp may như anh Minh, chị Thanh. Nhiều người tiêu dùng cho biết, dù ngập tràn khuyến mại, họ vẫn không dễ mua được những sản phẩm ưng ý dịp này. Chị Mai Thu Lan, nhân viên một cửa hàng ăn uống ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, chị tìm vào hẳn trung tâm thương mại để xem hàng khuyến mại với mục đích tránh cảnh chen lấn, đông đúc… Song, đi hết cả một loạt các cửa hàng thời trang với những tấm băng rôn “giảm giá sâu”, “sale off to 80%”…, chị Lan vẫn không thể tìm được một sản phẩm nào vừa ý với mình. Hoặc là sản phẩm size quá lớn, hoặc quá nhỏ, hoặc mẫu quá lỗi mốt nhưng vẫn được bày bán. “Nhiều thứ tôi nghĩ nếu mua về cũng chỉ để xếp xó” - chị Lan than thở và cho biết thêm, những sản phẩm mới hầu hết không giảm giá như quảng cáo mà chỉ giảm 5-10%.

Thực tế thì không phải cửa hàng nào cũng bán hàng chuẩn và giá giảm là giảm thật, đặc biệt là các sản phẩm thời trang. Không ít thương nhân lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng đã trà trộn các sản phẩm thời trang rẻ tiền vào hòng kiếm lợi nhuận cao. Theo tiết lộ của một nhà kinh doanh thời trang đã giải nghệ, trước đây thường đi lấy buôn giá gốc chỉ khoảng 60-70.000/sản phẩm áo thời trang nhưng khi về niêm yết giá lên đến 400.000 đồng, dịp Black Friday treo biển giảm giá 50%, như vậy vẫn lãi rất lớn. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn vì nghĩ mua được hàng rẻ.

Như vậy, Black Friday là một dịp để mua hàng giảm giá, nhưng không chắc gì đã đúng như vậy. Lợi dụng tâm lý của số đông “hùa” theo ngày này, nhiều mặt hàng xấu, cũ, tồn đọng đã được tung ra dưới “chiêu” giảm giá khủng. Trong đó, đáng nói nhất là chiêu đẩy giá lên cao chót vót rồi hạ xuống thấp nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Duy Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/thay-gi-khi-hang-giam-gia-dip-black-friday-tintuc453246