Thấy gì khi MV bằng AI của Đan Trường bị chê bai

Việc 'Em ơi ví dầu' bị chê bai cho thấy điều quan trọng ở sản phẩm âm nhạc vẫn là chất lượng hình ảnh, giai điệu và đặc biệt yếu tố cảm xúc.

Em ơi ví dầu là sản phẩm mới nhất của Đan Trường. Theo giới thiệu của nam ca sĩ, MV được thực hiện bằng AI. Ê-kíp dành tới hai tháng thực hiện với nhiều công cụ AI để tạo nên hơn 600 hình ảnh. Việc dùng AI để thực hiện MV không hề đơn giản và cũng chưa hề phổ biến tại Việt Nam, dù trên thế giới, công nghệ này đã được ứng dụng khá nhiều và hiệu quả trong âm nhạc.

AI ở Vpop

Với sản phẩm mới của Đan Trường là Em ơi ví dầu, nam ca sĩ cho biết khâu khó nhất trong quá trình thực hiện MV là dùng AI tạo chuyển động. Hình tĩnh đẹp nhưng lúc chuyển động lại méo mó, biến dạng. Đây là MV đầu tiên của Đan Trường và cũng là sản phẩm hiếm hoi của Vpop được làm bằng AI.

Dẫu vậy, quyết định này của Đan Trường chưa mang lại hiệu quả. Mặt hình ảnh được nhận xét là quá gượng gạo, đơ cứng, thiếu tự nhiên và đương nhiên cũng không tạo được cảm xúc cho người xem. Chưa kể, bối cảnh của MV cũng không phù hợp nội dung và giai điệu của một ca khúc mang màu sắc dân ca như Em ơi ví dầu.

Từ tranh cãi xoay quanh nội dung MV, khán giả đặt câu hỏi liệu Đan Trường có đang lạm dụng công nghệ AI trong khi chất lượng sản phẩm không đảm bảo và cũng không phù hợp. Khi theo dõi MV trên, có khán giả thậm chí bình luận: “Nghệ sĩ giờ còn lười đóng cả MV của chính mình”.

 Hình ảnh Đan Trường được tạo bởi AI trong MV Em ơi ví dầu. Ảnh: NVCC.

Hình ảnh Đan Trường được tạo bởi AI trong MV Em ơi ví dầu. Ảnh: NVCC.

Hà Anh Tuấn trước đó cũng áp dụng công nghệ AI kết hợp 3D vào MV Hoa hồng, nhưng sản phẩm này dạng visualizer nên chất lượng hình ảnh tốt. Ngoài ra, công nghệ AI thường được áp dụng nhiều hơn cả cho ca sĩ ảo, chẳng hạn Ann, SeeU, MAVE… tại Hàn Quốc hay Hatsune Miku (Nhật Bản), Lạc Thiên Y (Trung Quốc)…

Ann ra mắt ở Vpop vào đầu năm 2023 với MV Làm sao nói thương anh. Sản phẩm khi đó gây tranh cãi bởi khán giả cho rằng giọng hát không ấn tượng, giống những bản cover trên mạng xã hội. Sản phẩm của Ann chỉ đạt hơn 200.000 lượt xem sau hơn một năm ra mắt và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Từ đó đến nay, Ann cũng không có thêm bất cứ sản phẩm nào khác.

Thách thức của AI

Sự xuất hiện của AI trong sản xuất video âm nhạc thực sự mang tính đột phá, mở ra thế giới đầy khả năng sáng tạo cho cả nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Thậm chí, công nghệ AI được áp dụng khá thành công ở các ngành giải trí lân cận, đặc biệt Hàn Quốc.

Thông qua công nghệ AI, những ca sĩ và nhóm nhạc ảo ra đời. Plave là nhóm nhạc ảo gồm 5 thành viên ở Hàn Quốc không chỉ thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc mà còn giành chiến thắng trên các chương trình cuối tuần. Theo The Korea Herald, chỉ trong một tuần, Plave đã bán được hơn 200.000 bản album mới.

Những gã khổng lồ trong ngành như Hybe và SM Entertainment đang lao đầu vào cuộc cách mạng công nghệ này. Nhưng sự phát triển của AI trong sản xuất âm nhạc cũng không phải không có tranh cãi. Lý do là tính ổn định trong các video do AI tạo ra đang bị hạn chế và yếu tố cảm xúc khó được đảm bảo.

 Sản phẩm làm bằng AI của nhóm nhạc RIIZE bị chê bai. Ảnh: SM Entertainment.

Sản phẩm làm bằng AI của nhóm nhạc RIIZE bị chê bai. Ảnh: SM Entertainment.

Nhóm RIIZE phát hành bản AI Generated Visualizer cho đĩa đơn Impossible cách đây 2 tháng. Các bình luận về video cho thấy rõ ràng người hâm mộ không ấn tượng với lựa chọn này của RIIZE.

"Vẫn chưa quá muộn để xóa cái này", một khán giả viết. "Với tất cả sự tôn trọng dành cho RIIZE, tôi hy vọng điều này không bao giờ xảy ra nữa", “Đây thực sự là điều đáng xấu hổ nhất tôi từng thấy trong năm nay”, “Vậy là AI cuối cùng cũng đến được Kpop. Sẽ không mất nhiều thời gian để những công ty tham lam này bắt đầu sa thải nhân viên và hoàn toàn dựa vào AI cho các video ca nhạc và nhiều thứ khác”, khán giả khác nhận xét.

Từ tranh cãi kể trên và trường hợp Đan Trường, có thể thấy các video âm nhạc do AI tạo ra có tiềm năng thú vị, nhưng vẫn còn một số thách thức. Ví dụ, AI không thể dễ dàng và độc lập tạo ra video âm nhạc. Yếu tố con người vẫn đóng vai trò thiết yếu để tạo nên một câu chuyện hay và cảm xúc.

Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sáng tạo từ con người trong quá trình thực hiện sản phẩm. Tức bên cạnh việc ứng dụng công nghệ AI vào âm nhạc, hình ảnh, sự sáng tạo của nghệ sĩ vẫn là yếu tố cốt lõi. Một sản phẩm thực sự chất lượng từ âm nhạc, tới hình ảnh sẽ dễ chinh phục khán giả hơn cả yếu tố công nghệ.

AI chắc chắn có thể giúp nghệ sĩ tạo ra hình ảnh và âm nhạc độc đáo, nhưng sự sáng tạo của con người vẫn là động lực thúc đẩy âm nhạc, câu chuyện tuyệt vời. Bằng cách kết hợp sự sáng tạo của con người với công nghệ AI, nghệ sĩ có thể tạo ra hình ảnh mạnh mẽ thu hút khán giả và phá vỡ ranh giới của sản xuất video âm nhạc truyền thống.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-khi-mv-bang-ai-cua-dan-truong-bi-che-bai-post1484942.html