Thấy gì ở hành trình 'quay vào bên trong'

Show truyền hình thực tế Possessed Love (tạm dịch: Tình yêu bị chiếm hữu) phát sóng trên đài SBS (Hàn Quốc) đang nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả châu Á, trong đó có khán giả Việt Nam. Đằng sau những chiêu trò thu hút khán giả thường thấy, show truyền hình này cũng đã phản ánh một hiện thực về những nỗ lực tìm kiếm các giá trị tinh thần của con người trong cuộc sống hôm nay.

1.

Possessed Love là chương trình thực tế theo chủ đề hẹn hò, nhưng điểm nhấn và khác biệt chính là việc kết hợp với tâm linh, 8 người tham gia chương trình (4 nam, 4 nữ) trong độ tuổi 20-30, gồm nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, sẽ lắng nghe ý kiến tư vấn từ các chuyên gia tâm linh thông qua bói bài tarot, bói toán và chiêm tinh… để đưa ra các quyết định tình cảm của mình.

Tuy nhiên, điều ai cũng dễ nhận thấy ở chương trình là yếu tố tâm linh được đưa vào chủ yếu nhằm tạo kịch tính cho chương trình. Việc lựa chọn hẹn hò thực tế đều dựa trên các cảm xúc cá nhân, thông qua việc mọi người cùng lắng nghe những câu chuyện, nỗi niềm của nhau để tìm sự đồng cảm về tinh thần, chứ không phải dùng thước đo học vấn, địa vị, công việc, tài chính, hay vẻ bề ngoài.

 Bạn trẻ chọn cách “quay vào bên trong” thông qua các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: TOONG

Bạn trẻ chọn cách “quay vào bên trong” thông qua các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần. Ảnh: TOONG

Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, giá trị tinh thần được quan tâm hơn bao giờ hết. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế trong một thời gian dài đã kéo theo thói quen tư duy dựa trên giá trị vật chất của không ít người. Cú sốc Covid-19 đã giáng một đòn nặng không chỉ với kinh tế mà cả với tâm lý của nhiều người khi thể hiện sự mong manh của cuộc sống, có thể dễ dàng xô đổ mọi sự hào nhoáng của vật chất.

Trong số đó, những người trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi họ trước đó cũng chính là nhóm đối tượng đề cao những giá trị vật chất. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm, con số này chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18-29 có tỷ lệ trầm cảm cao nhất (khoảng 5,4%).

2.

Cũng vì thế, thời gian qua, “chữa lành” trở thành từ khóa được tìm kiếm thịnh hành nhất trong giới trẻ. Cái gì cũng có thể thành chữa lành: âm nhạc chữa lành, vẽ chữa lành, viết chữa lành, làm gốm chữa lành, mùi hương chữa lành… Tất cả đều thu hút rất đông người tham gia, trong đó chiếm chủ yếu vẫn là người trẻ. Thế nhưng, khúc mắc tinh thần không phải là việc dễ giải quyết, càng không phải là một hội chứng chung mà ai cũng có thể chữa lành giống nhau.

Đang có công việc tốt với hàng loạt dự định đầy tham vọng về tài chính, tất cả sụp đổ sau đại dịch, Nguyễn Hoàng Phương Uyên (29 tuổi, kiến trúc sư trang trí nội thất, ngụ quận 4, TPHCM) rơi vào khủng hoảng trầm trọng mãi không tự thoát ra được. Chị quyết định tạm dừng hẳn công việc, tìm đến các khóa học chữa lành với mong muốn có thể tĩnh tâm, định hướng lại cuộc đời. Nhưng càng học lại càng rối, Phương Uyên kể: “Hầu hết các khóa học đều theo kiểu trào lưu, đại trà, ai cũng được hướng dẫn như ai, bất kể vấn đề của họ rất khác nhau, nên kết quả là lại càng trầm cảm hơn”.

Phải mãi sau này, theo lời khuyên của người nhà, Uyên tham gia điều trị với bác sĩ tâm lý, dần hiểu được việc mình đang mắc kẹt với tham vọng cũ trong đời sống mới. Uyên tập học cách “vẽ” lại mục tiêu mới phù hợp với tình hình thực tế, chấp nhận mọi việc không còn thuận lợi như xưa, dần tìm lại động lực sống và làm việc.

3.

Cùng với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, một lối sống mới cũng dần phát triển, đó là kiểu sống “nghèo sang chảnh”. Lối sống này bắt nguồn từ việc người ta dễ dàng nhận thấy những bức ảnh hàng hiệu, siêu xe, hay túi xách xa xỉ… sẽ dễ nhận được lượt like (thích) hơn là hình ảnh một cuốn sách, hay tách trà bình dị.

Và rồi, với một bộ phận người dùng mạng xã hội, việc luôn cố tạo cho mình những hình ảnh hào nhoáng, xa hoa nhất nhì trở thành một điều tất yếu. Nhiều người cố gắng nỗ lực bằng mọi cách để có được một trang cá nhân “thượng lưu” được đo bằng những số dư tài khoản, đồ hiệu, những chuyến du lịch sang trọng… Và nhiều khi, để có được những hình ảnh đó, họ phải gian trá, đóng kịch, xây dựng cuộc sống giả tạo và dần dần rơi vào một cuộc sống trầm cảm khi không còn cách xoay xở để “sang chảnh”, trang cá nhân mất đi sự chú ý.

Chưa và có lẽ là không bao giờ có một thước đo chung cho hạnh phúc, hạnh phúc tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và hơn hết là góc nhìn riêng của mỗi người. Hạnh phúc bền vững chính là lúc quay vào bên trong, lắng nghe và thấu hiểu chính mình, chứ không phải đặt niềm vui trong những phút chốc, hay thước đo từ đánh giá của những người khác.

Có lẽ dần hiểu được điều đó, hành trình “quay vào bên trong”, tìm kiếm những giá trị riêng của mỗi người đang dần được nhìn nhận và thực hiện thay cho những phù phiếm và hào nhoáng như trước.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-gi-o-hanh-trinh-quay-vao-ben-trong-post751484.html