Thấy gì ở Tuần lễ Thời trang Việt Nam 2022?

Sự kiện thời trang diễn ra trong 4 ngày để lại dấu ấn qua những thiết kế đậm chất Việt Nam và dàn sao catwalk.

 Siêu mẫu Võ Hoàng Yến catwalk trong show của Vũ Việt Hà. Ảnh: Mạnh Đạt.

Siêu mẫu Võ Hoàng Yến catwalk trong show của Vũ Việt Hà. Ảnh: Mạnh Đạt.

Sau thời gian dài trì hoãn do đại dịch, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam chính thức trở lại thủ đô Hà Nội. Dù không khí của sự kiện có phần ảm đạm hơn các mùa trước, những nhà thiết kế lại mang đến nhiều cung bậc khi cho ra mắt bộ sưu tập hợp xu thế, bám chủ đề “Taste Of Heritage”.

Câu chuyện fashion week quốc tế và Việt Nam

Fashion week được gọi là tuần lễ thời trang, kéo dài trong khoảng một tuần. Các nhà thiết kế, thương hiệu trình diễn bộ sưu tập mới trên sàn runway hay theo hình thức trưng bày. Mục đích của tuần lễ thời trang chính là sự tiếp cận gần hơn với giới chuyên môn, khán giả và người tiêu dùng.

Ngoài ra, sự kiện này còn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc định hình xu hướng của ngành thời trang trong những mùa mốt sắp đến. Fashion show nằm trong khuôn khổ tuần lễ thời trang, là nơi để các nhà thiết kế mang đến cho khán giả những trang phục chuẩn bị ra mắt vào mùa Xuân - Hè hay Thu - Đông.

Thông thường, các bộ sưu tập sẽ được trình diễn trước một mùa. Từ đó, chuyên gia, nhà phê bình thời trang có thời gian phân tích và quyết định trào lưu nào sẽ trở thành vị trí chủ đạo cho năm kế tiếp.

 Các diễn viên lên sàn diễn được xem là yếu tố bất ngờ thu hút khán giả. Ảnh: Trương Hiếu.

Các diễn viên lên sàn diễn được xem là yếu tố bất ngờ thu hút khán giả. Ảnh: Trương Hiếu.

Tại Việt Nam, chu trình diễn ra tuần lễ thời trang vài năm gần đây rút ngắn hơn so với Paris (Pháp), Milan (Italy) hay London(Anh)... Ví dụ, mùa mốt Thu - Đông 2022 ở Việt Nam diễn ra từ 24-27/11. Đây có thể được xem như sân chơi có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp theo mô hình quốc tế. Tuy nhiên, các show diễn lại thiên hướng về việc giới thiệu bộ sưu tập đúng mùa, thậm chí trễ hơn guồng quay của thời trang thế giới.

Trước đây, tuần lễ thời trang được mặc định chỉ dành cho những người hoạt động trực tiếp trong làng mốt như khách hàng, stylist, biên tập viên, người mẫu hoặc các ngôi sao nổi tiếng. Hiện nay, thậm chí những TikToker cũng có thể góp mặt ở hàng ghế đầu. Nhiều người nói điều này làm đánh mất đi giá trị của tuần lễ thời trang đúng nghĩa.

Street style ở Việt Nam - xu hướng hay buổi hóa trang?

Suốt chuỗi hoạt động của tuần lễ thời trang, street style luôn là phần gắn liền và có sự liên kết mật thiết với các buổi diễn. Khi đến dịp fashion week, các tín đồ thời trang tới địa điểm diễn ra sự kiện để thể hiện phong cách ăn mặc của bản thân trước ống kính nhiếp ảnh gia. Điều này giúp hình ảnh của họ dễ dàng xuất hiện trên tạp chí quốc tế.

 Một bạn trẻ mặc đồ lấy cảm hứng từ nhân vật Maleficent tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam. Ảnh: Multimedia.

Một bạn trẻ mặc đồ lấy cảm hứng từ nhân vật Maleficent tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam. Ảnh: Multimedia.

Thậm chí, gu ăn mặc của các fashionista tại Paris, London hay Milan còn được tìm kiếm nhiều trên các nền tảng. Thiết kế mới thường được hãng chuyển đến tín đồ thời trang để tham dự show diễn. Bởi họ là những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến người hâm mộ thông qua trang cá nhân. Các trang phục khoác lên người đều có thể trở thành xu hướng cho mỗi mùa.

Với một số người trẻ Việt khi tham gia tuần lễ thời trang, họ thường có xu hướng hóa trang. Chính fashionista Thuận Nguyễn cũng từng nhận định họ ăn mặc quá đà có thể xuất phát từ việc hiểu sai “thời trang” và “hóa trang”. Họ kết hợp đồ với mục đích chủ yếu là gây chú ý, không nghĩ đến việc tạo xu hướng.

Thông thường, sự kiện chụp ảnh street style sẽ được diễn ra tại địa điểm tổ chức show diễn và trước khi khách mời vào bên trong khán phòng. Ở Việt Nam, qua nhiều mùa tuần lễ thời trang, hoạt động street style được tổ chức vào buổi sáng (trong khi show diễn ra vào buổi tối) và không cùng địa điểm với fashion show.

Do đó, sau khi tham gia vài mùa, nhiều người có tâm lý “lười”. Chia sẻ với Zing, một số người mẫu ở hậu trường Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Thu - Đông 2022 cho biết họ không hào hứng tham gia street style vào buổi sáng vì lịch trình tổng duyệt bận rộn, ngại di chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing, 4 buổi sáng diễn ra street style đều vắng người tham dự. Một số người dẫn theo nhóm trẻ em để chụp ảnh, tạo không khí bớt ảm đạm.

Cố gắng tránh gây nhàm chán

Đối với các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới, các nhà thiết kế tự thể hiện theo chủ đề mình đặt ra. Từ đó, họ chuẩn bị địa điểm, hình ảnh để tổ chức show ra mắt bộ sưu tập của mình. Chẳng hạn, Trần Hùng tham dự London Fashion Week và anh chọn The Waldorf Hilton làm nơi tổ chức.

 Hình ảnh tháp Rùa quen thuộc qua 4 đêm diễn ra fashion show. Ảnh: Ngọc Duy.

Hình ảnh tháp Rùa quen thuộc qua 4 đêm diễn ra fashion show. Ảnh: Ngọc Duy.

Địa điểm tổ chức rất quan trọng với bộ sưu tập mới. Nó phải liên quan đến chủ đề và giúp khán giả cảm nhận được tinh thần khi xem buổi trình diễn.

Với Vietnam International Fashion Week, các nhà thiết kế đều ra mắt bộ sưu tập trên cùng một sân khấu. Năm nay, sàn diễn được làm theo hình U, điểm nhấn trên sân khấu là hình ảnh tháp Rùa - biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Các nhà thiết kế tự sáng tạo hình ảnh phông nền bên cạnh rồi gửi lại cho ban tổ chức để trình chiếu. Đây cũng là cách để người xem nhận thấy sự khác biệt của các nhà thiết kế.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng cố gắng tránh sự nhàm chán bằng cách thay đổi hiệu ứng đèn. Catwalk director hướng dẫn người mẫu đi theo nhiều kiểu khác nhau, mở và kết màn có sự biến đổi, không rập khuôn.

Sự giảm nhiệt ở tuần lễ thời trang mùa này còn có thể đến từ không khí thảm đỏ. Một số người cho rằng thảm đỏ thiếu những tên tuổi đình đám trong nước. Vào ngày đầu, fan còn hào hứng khi có sự xuất hiện của dàn diễn viên phim truyền hình. Sau đó, số lượng thưa dần.

Các thiết kế bám xu hướng thế giới

Dựa trên tinh thần "di sản", các nhà thiết kế Việt chủ yếu đưa những yếu tố gắn liền với đất nước vào bộ sưu tập của mình. Chẳng hạn, nhà thiết kế Thảo Nguyễn mang đến những bộ váy đằm thắm mang sắc vàng có tên "Lúa" hay Việt Hà đảm nhận vai trò bế mạc với bộ sưu tập gợi hơi thở núi rừng Tây Bắc.

Nét truyền thống của Việt Nam được lồng ghép với các yếu tố hiện đại. Ảnh: Trương Hiếu.

Nét truyền thống của Việt Nam được lồng ghép với các yếu tố hiện đại. Ảnh: Trương Hiếu.

Dù dựa trên những giá trị tinh thần của đất nước, các thiết kế vẫn mang đến sự mới mẻ. Đặc biệt, các thương hiệu chú trọng vào tính bền vững khi lựa chọn chất liệu. Đây cũng là vấn đề được quan tâm bởi nhiều nhà mốt danh tiếng trên thế giới.

Năm 2022 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thẩm mỹ Y2K. Một số nhà thiết kế tham gia tuần lễ thời trang tại Việt Nam cũng bám sát xu hướng khi kết hợp thêm những món phụ kiện như kính râm thể thao, giày platform. Hay sự hoài cổ còn được thể hiện qua chi tiết đính lông vũ hay găng tay dài.

Nhìn chung, phần lớn thiết kế năm nay vẫn nhấn mạnh vào thời trang đi thảm đỏ, tiệc tùng. Một số người xem cho rằng họ hiếm nhìn thấy bộ nào có thể mặc ra đường.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thay-gi-o-tuan-le-thoi-trang-viet-nam-2022-post1380537.html