Thấy gì qua cán cân thanh toán quốc tế quí 3-2024?

Tình hình cán cân thanh toán tổng thể có chuyển biến tích cực hơn, với mức độ thâm hụt đã thu hẹp trong quí 3 vừa qua, nhưng vẫn còn đó một số điểm tiêu cực đáng chú ý và cần sớm có giải pháp hiệu quả để cải thiện.

Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam công bố gần đây tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2024, nâng lũy kế ba quí đầu năm 2024 lên con số 16,6 tỉ đô la Mỹ.

Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam công bố gần đây tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2024, nâng lũy kế ba quí đầu năm 2024 lên con số 16,6 tỉ đô la Mỹ.

Thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể thu hẹp

Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam theo dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gần đây tiếp tục phát sinh hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ trong quí 3-2024, nâng lũy kế ba quí đầu năm 2024 lên con số 16,6 tỉ đô la Mỹ; trong đó, riêng quí 1 đã chiếm gần một nửa với hơn 8,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu so với cùng kỳ quí 3-2023, lỗi và sai sót trong quí 3-2024 đã giảm 18%, nhưng xét theo kỳ lũy kế ba quí thì vẫn đang tăng 19,4%, chủ yếu bởi số phát sinh lớn trong quí 1.

Dù lỗi và sai sót vẫn neo ở mức cao, nhưng cán cân thanh toán tổng thể trong quí 3 vừa qua chỉ còn ghi nhận thâm hụt 59 triệu đô la, giảm mạnh so với mức thâm hụt gần 6,1 tỉ đô la của quí 2-2024 và cũng thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt gần 1,4 tỉ đô la của cùng kỳ quí 3-2023. Đây là tín hiệu khá tích cực, cho thấy mức độ sử dụng dự trữ ngoại hối của NHNN để can thiệp hỗ trợ thị trường ngoại hối trong quí 3 đã giảm đáng kể so với quí 2, trong bối cảnh giá đô la Mỹ trong nước cũng liên tục đi xuống trong quí 3. Cụ thể, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm xấp xỉ 3% trên cả thị trường chính thức lẫn phi chính thức trong giai đoạn này.

Có ba yếu tố chính tác động tích cực lên cán cân thanh toán quốc tế trong quí 3 vừa qua.

Đầu tiên là cán cân vãng lai thặng dư lớn gần 7,8 tỉ đô la; trong đó đóng góp chính ở con số xuất siêu hàng hóa (tính theo giá FOB) lên đến 13,6 tỉ đô la trong quí 3, cao hơn rất nhiều so với mức xuất siêu 8,7 tỉ đô la của quí 2 cũng như gần 11,9 tỉ đô la của quí 1. Diễn biến này càng củng cố xu hướng cho thấy đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi vững chắc.

Tình trạng lỗi và sai sót vẫn duy trì lớn là một trong những yếu tố khiến cán cân vãng lai dù thặng dư lớn nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt, góp phần gây áp lực lên tỷ giá khiến nhà điều hành phải sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Cần hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa cũng như giám sát, ngăn chặn các hoạt động chuyển ngân lậu ra nước ngoài.

Ở cán cân tài chính, dữ liệu từ NHNN ghi nhận thâm hụt hơn 3 tỉ đô la trong quí 3, giảm mạnh so với mức thâm hụt gần 6,9 tỉ đô la trong quí 2; trong đó, đóng góp tích cực nhất vẫn là ở hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót ròng 5 tỉ đô la, cao hơn con số 4,85 tỉ đô la của quí 2 và 3,55 tỉ đô la của quí 1. Trong khi đó, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chỉ còn bị rút ròng 963 triệu đô la, tuy có cao hơn mức 517 triệu đô la trong quí 1 nhưng đã giảm mạnh so với mức gần 2,2 tỉ đô la trong quí 2.

Bên cạnh đó, đáng lưu ý nhất là ở khoản mục đầu tư khác. Trong khi khoản mục tiền và tiền gửi ở khu vực dân cư tiếp tục gửi ra nước ngoài 2,5 tỉ đô la, cao hơn so với quí 1 và quí 2 đều ở mức 2,3 tỉ đô la, thì ngược lại tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng chuyển ra nước ngoài giảm mạnh từ mức hơn 3 tỉ đô la trong quí 2 xuống chỉ còn 355 triệu đô la trong quí 3. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất cơ bản đô la Mỹ đến 0,5 điểm phần trăm từ ngày 19-9, trong khi lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng ở trong nước vẫn neo cao, có lẽ cũng ảnh hưởng đến dòng tiền gửi ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng trong nước.

Những điểm đáng chú ý

Tuy tình hình cán cân thanh toán tổng thể có chuyển biến tích cực hơn với mức độ thâm hụt đã thu hẹp trong quí 3 vừa qua như đã nói, vẫn cần phải lưu ý một số điểm sau:

Đầu tiên là trong khi dòng vốn FDI rót ròng vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, dòng vốn FII vẫn chưa thoát khỏi xu hướng bị rút ròng.

Đây cũng là thực trạng chung của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong hai năm qua, trước xu hướng đô la Mỹ mạnh lên do Fed tăng lãi suất làm tăng rủi ro mất giá đồng bản tệ của các nước này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FII. Ngoài ra, các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán (TTCK) ở các nước phát triển như Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn cũng lôi kéo dòng vốn FII về lại các nước phát triển.

Cụ thể, sau khi chứng kiến lượng vốn FII rót ròng vào Việt Nam hơn 1,5 tỉ đô la trong năm 2022, tình hình năm 2023 đã bị đảo chiều khi dòng vốn này bị rút ròng gần 1,2 tỉ đô la. Đặc biệt, chỉ mới chín tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục bị rút ròng gần 3,7 tỉ đô la; trong đó, trong quí 2 bị rút gần 2,2 tỉ đô la. Đây cũng là giai đoạn mà tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước chịu áp lực lớn nhất, trước khi hạ nhiệt đáng kể trong quí 3.

Trước khả năng Fed có thể làm chậm lại lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025, trong khi đô la Mỹ có thể được hỗ trợ mạnh lên từ các chính sách thúc đẩy kinh tế, lôi kéo dòng vốn đầu tư đến Mỹ và khả năng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump áp các hàng rào thuế quan mới lên các đối tác thương mại của Mỹ, đồng bản tệ của nhiều nước được dự báo sẽ vẫn chịu áp lực trong năm 2025, theo đó tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn FII có tính chất ngắn hạn.

Dù vậy, đối với Việt Nam, kỳ vọng được FTSE Russell nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, dự kiến từ tháng 9-2025, có thể hạn chế bớt tác động này. Theo giới phân tích, với việc nâng hạng, TTCK sẽ thu hút dòng vốn FII thêm 20-22 tỉ đô la đến năm 2030. Ngoài ra, các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025 bởi đây là năm cuối trong lộ trình năm năm giai đoạn 2021-2025, từ đó cũng giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại.

Điểm chú ý kế tiếp là việc nhà điều hành đã phải bán một lượng ngoại tệ lớn để hỗ trợ tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong năm nay, với giá trị xấp xỉ gần 7,5 tỉ đô la trong chín tháng đầu năm, trong đó tập trung chủ yếu cũng ở quí 2 với gần 6,1 tỉ đô la. Tuy giá trị bán ra trong chín tháng qua vẫn thấp hơn nhiều so với con số bán ra hơn 22,7 tỉ đô la trong năm 2022, nhưng diễn biến này cũng là… đảo chiều so với giá trị mua ròng hơn 5,6 tỉ đô la đạt được trong năm 2023.

Dù một số dự báo trước đây cho rằng NHNN có thể mua ròng ngoại tệ trở lại trong quí 4 năm nay, nhưng tình hình tỷ giá bắt đầu nổi sóng trở lại từ tháng 10 đã khiến NHNN vào những ngày cuối tháng 10 thông báo sẽ bán ngoại tệ giao ngay trở lại, nhất là khi Kho bạc Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ để thanh toán trái phiếu quốc tế đến hạn. Do đó, khả năng dự trữ ngoại hối thời gian qua đã tiếp tục suy giảm.

Tình trạng lỗi và sai sót vẫn duy trì lớn là một trong những yếu tố khiến cán cân vãng lai dù thặng dư lớn nhưng cán cân thanh toán vẫn thâm hụt, góp phần gây áp lực lên tỷ giá khiến nhà điều hành phải sử dụng dự trữ ngoại hối để tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Vì vậy, vấn đề chính cần xử lý vẫn là phải có cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa cũng như giám sát, ngăn chặn các hoạt động chuyển ngân lậu ra nước ngoài.

Tuệ Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-gi-qua-can-can-thanh-toan-quoc-te-qui-3-2024/