Thấy gì qua mô hình Canh tác lúa thông minh?
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) phối hợp Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và Đảng ủy, UBND xã Yên Luông tổ chức Hội thảo mô hình 'Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh' (gọi tắt mô hình Canh tác lúa thông minh) cho hơn 100 đại biểu là lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, nông dân, cán bộ nông nghiệp trong toàn huyện Gò Công Tây.
Tại hội thảo, đại biểu được nghe cán bộ, lãnh đạo nông nghiệp, kỹ sư nông nghiệp giới thiệu các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chủ yếu tăng cường áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp như: Sạ hàng, sạ cụm, bón phân, phun thuốc bằng máy móc hiện đại, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Cũng trong chương trình hội thảo, đoàn đại biểu và nông dân đã đến tham quan thực hành mô hình Canh tác lúa thông minh tại điểm trình diễn của hộ nông dân Trần Ngọc Huyền, ấp Phú Quới, xã Yên Luông với quy mô sản xuất 1,5 ha. Vụ hè thu năm 2024, ông Huyền được chọn làm điểm sản xuất lúa thông minh, áp dụng toàn bộ quy trình sản xuất cơ giới, gieo sạ bằng máy sạ cụm, sử dụng phân bón Bình Điền, thuốc bảo vệ thực vật của Công ty Bayer Việt Nam và ứng dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ giai đoạn sinh trưởng cây lúa. Tại buổi tham quan, các đại biểu đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả của mô hình, nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo sạ, nông dân đã tiết kiệm đáng kể phân bón, số lượng giống, tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật…
Mô hình Canh tác lúa thông minh cũng là một nội dung chủ yếu mà huyện Gò Công Tây đã và đang triển khai thực hiện thí điểm trong Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030”, dự kiến sau khi thí điểm có hiệu quả sẽ nhân rộng ra 12 xã và thị trấn Vĩnh Bình, phấn đấu đến năm 2030 là 7.254 ha/16.859 hộ trên toàn huyện.
Tại hội thảo, bà con nông dân cũng được nghe kỹ sư Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây khuyến cáo về các giải pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ thực hiện tốt xuống giống gieo sạ vụ lúa hè thu 2024 đạt năng suất chất lượng cao.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202406/thay-gi-qua-mo-hinh-canh-tac-lua-thong-minh-1013846/