Thấy gì qua những 'trò lố' đa cấp biến tướng?

Những video quá lố về hoạt động của mô hình đa cấp lan truyền trên mạng gần đây không chỉ gây phản cảm mà còn là lời cảnh tỉnh về sự biến tướng và thao túng trong kinh doanh đa cấp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo vệ sự đàng hoàng và hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp, tránh để nó trở thành một cái 'bẫy' cho những người thiếu hiểu biết?

Những “thử thách” lạ lùng

Thời gian gần đây, mạng xã hội tràn ngập những video gây sốc về các khóa đào tạo trong mô hình kinh doanh đa cấp. Những hình ảnh này khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng: cột thun búng vào tay nhân viên, thả người từ trên cao rơi xuống cho đám đông đỡ, đến việc cầm roi quất túi bụi vào người, đi chân trần trên gai nhọn của hoa hồng... Điều đáng nói là các “thí nghiệm” này không chỉ đau đớn về thể chất, mà còn kèm theo những màn hô hào khẩu hiệu tập thể, đẩy cảm xúc lên cao trào, thậm chí là khóc lóc một cách kỳ lạ.

Những chiêu trò được dàn dựng này tạo nên sự phản cảm trong công chúng, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu những mô hình kinh doanh này có đang đi lệch hướng và dần biến tướng thành những hoạt động quá khích, gây tổn hại về tinh thần và thể chất cho những người tham gia?

Màn thử thách búng chun vào tay khiến dư luận xôn xao gần đây. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Màn thử thách búng chun vào tay khiến dư luận xôn xao gần đây. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Điển hình là trường hợp gần đây đang xôn xao dư luận. Đoạn video lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng ghi lại cảnh một nữ CEO gào thét, mắng chửi nhân viên của mình vì cho rằng người này thiếu trung thực và không nỗ lực. Hình phạt được đưa ra là việc búng dây chun vào cổ tay nhân viên trước mặt cả hội trường. Sau màn phạt này, tất cả những người có mặt đều cúi xuống và khóc nấc. Nữ CEO sau đó ôm lấy nhân viên của mình, tiếp tục khóc lóc trong khung cảnh đầy cảm xúc.

Hành động này nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là một kiểu thao túng tâm lý phổ biến trong các mô hình đa cấp, ở đây cảm xúc bị khai thác để tạo ra sự gắn kết giả tạo giữa người tham gia và người đứng đầu. Những giọt nước mắt, sự hô hào khẩu hiệu, những “tấm gương thành đạt” lên bày tỏ sự xúc động vì đổi đời, hay việc buộc người tham gia phải chịu đựng những thử thách khắc nghiệt đều nhắm đến mục tiêu đánh lừa tâm lý, khiến họ tin tưởng và sẵn sàng tiếp tục đầu tư, hy sinh cho cái gọi là “tương lai xán lạn”.

Thực tế, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn được xem là hợp pháp và được pháp luật quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều mô hình đã biến tướng, không còn tập trung vào sản phẩm hay năng lực kinh doanh thực sự mà đi về tạo ra những trò chơi thao túng tâm lý, những cái “bẫy” mang tính lừa đảo để “móc túi” người tham gia.

Những con số cảnh báo

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong những năm qua, cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Kết quả, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm ngặt, với hơn 30 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động. Chỉ riêng trong năm 2023, có 5 doanh nghiệp và 1 cá nhân tham gia bán hàng đa cấp bị phạt, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hạnh A (32 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đã từng tham gia một chuỗi bán hàng đa cấp khá “nổi”, trở thành trưởng nhóm, nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy hoạt động của mô hình đa cấp tôi tham gia “có vấn đề”. Việc đào tạo bán hàng chỉ đi vào huấn luyện cách thức làm sao để thuyết phục người tham gia bỏ tiền, bất chấp nói dối, “thổi phồng” công hiệu sản phẩm, thậm chí sắp đặt “diễn viên” đóng vai người kinh doanh đa cấp thành đạt để lên chia sẻ kinh nghiệm dẫn dụ người tham gia. Vì thấy bất an, sợ mình bước vào con đường xấu nên tôi đã chấm dứt công việc này, dù thu nhập không hề thấp”.

Trước sự phản cảm từ những “trò lố” của một số mô hình đa cấp hiện nay, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp và đạo đức của những hình thức kinh doanh này. Trong khi bán hàng đa cấp vẫn được pháp luật cho phép và có tiềm năng nếu được triển khai đúng cách, thì những hành động thao túng tâm lý và sử dụng các chiêu trò khắc nghiệt đang dần biến tướng thành những hiện tượng gây tranh cãi.

Vậy giải pháp nào cho mô hình kinh doanh này? Theo các chuyên gia, trước hết, người tham gia cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cũng như các kỹ năng kinh doanh thực tế. Để tránh bị lợi dụng, người tiêu dùng nên thận trọng trong việc tham gia các mô hình kinh doanh mà mình không hiểu rõ, tránh xa những tổ chức có dấu hiệu thao túng cảm xúc hoặc hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh việc kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền để người dân có thể nhận diện những biến tướng của mô hình kinh doanh đa cấp, từ đó bảo vệ quyền lợi và tránh rơi vào những cạm bẫy lừa đảo.

Quân Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thay-gi-qua-nhung-tro-lo-da-cap-bien-tuong-post527144.html