Thấy gì qua việc Mỹ 'bật đèn xanh' đào tạo phi công F-16 cho Ukraine?
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần trước đã xác nhận với những người đồng cấp G7 rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực đào tạo phi công Ukraine lái các chiến đấu cơ phản lực của phương Tây, bao gồm cả máy bay F-16.
Cú “quay xe” của Mỹ
Cam kết hỗ trợ của Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản có thể xem như chỉ dấu rằng Ukraine cuối cùng sẽ nhận được máy bay chiến đấu phản lực trong bối cảnh hệ thống phòng không của nước này đang dần cạn kiệt.
Hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với số lượng bao nhiêu và chuyển giao vào thời gian nào. Nhưng, có khoảng 30 nước đang sở hữu F-16 do Mỹ sản xuất, với tổng cộng khoảng hơn 2.000 chiếc.
Phía Mỹ, ngoài thông báo của Tổng thống Biden, cũng không cung cấp thông tin chi tiết và thời điểm, số lượng máy bay cũng như quốc gia sẽ cung cấp F-16 cho Ukraine. Theo Báo Wall Street Journal, quyết định cuối cùng nhiều khả năng sẽ chỉ được đưa ra trong những tháng tới, khi quá trình huấn luyện đã diễn ra.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine 15 tháng trước, các quan chức ở Kiev đã liên tục kêu gọi viện trợ máy bay chiến đấu tiên tiến nhằm đối phó với ưu thế trên không của Nga. Nhưng, ông Biden đã phản đối, với lo ngại rằng các chiến đấu cơ này có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga và khiến Điện Kremlin leo thang xung đột.
Đáp lại đề nghị khẩn thiết từ Ukraine, các quan chức Lầu Năm Góc đã nói rằng những loại vũ khí khác, đặc biệt là hệ thống phòng không, thuộc diện cần chuyển giao cấp bách hơn trong khi chi phí cao của những chiếc F-16 có thể vắt kiệt các nguồn lực viện trợ dành cho Kiev.
Nhưng, một số quốc gia châu Âu thuộc liên minh NATO và sở hữu F-16 vẫn kêu gọi nỗ lực quốc tế để cung cấp dịch vụ huấn luyện và chuyển giao máy bay phản lực của họ cho Ukraine. Muốn làm như vậy cần có sự cho phép của Mỹ, nước vẫn nắm quyền quyết định đích đến của những phi cơ chiến đấu mà họ bán cho đối tác.
Do đó, khi Tổng thống Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo khác của nhóm G7 tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản) về quyết định đào tạo phi công, dư luận hầu hết đều cho rằng điều này sẽ mở đường cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden cũng phát biểu với báo chí tại Hiroshima rằng Mỹ và đồng minh sẽ thảo luận trong những tháng tới về cách cung cấp cho Kiev các máy bay phản lực. Nhưng, theo các kế hoạch hiện tại, Mỹ chưa có ý định gửi những chiếc F-16 của riêng mình.
Vì sao Ukraine cần F-16?
Ukraine từ lâu đã lập luận rằng họ cần F-16 để ngăn chặn máy bay Nga. Hệ thống phòng không của Ukraine, vốn chủ yếu dựa vào các khẩu đội S-300 từ thời Liên Xô, đang cạn kiệt tên lửa và khoảng trống phòng không này có thể sớm cho phép lực lượng không quân Nga đạt được ưu thế trên phần lớn lãnh thổ Ukraine.
Phi đội máy bay đời cũ của Ukraine, chẳng hạn như Mig-29, không phải là đối thủ của các cường kích mạnh hơn, hiện đại hơn mà Moscow triển khai. Máy bay của Ukraine cũng có tải trọng vũ khí kém ấn tượng, bán kính chiến đấu hạn chế và không thể bay ở độ cao lớn nên dễ bị tên lửa phòng không của Nga tấn công. Tướng James Hecker, chỉ huy không quân Mỹ tại châu Âu, hồi cuối tháng 3 cho biết Ukraine đến thời điểm ấy đã mất khoảng 60 máy bay chiến đấu.
Lúc này, nhiều nhà phân tích quân sự tin rằng, Nga sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công làm cạn kiệt khả năng bảo vệ bầu trời của Ukraine. Các tài liệu của Lầu Năm Góc được soạn thảo vào tháng 2 và bị rò rỉ trên mạng xã hội cũng nhận định, máy bay chiến đấu của Nga sẽ có thể hoạt động tự do hơn trên bầu trời Ukraine nếu hệ thống phòng không của nước này không sớm được bổ sung.
Lúc này, nhiều nhà phân tích quân sự tin rằng, Nga sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công làm cạn kiệt khả năng bảo vệ bầu trời của Ukraine. Các tài liệu của Lầu Năm Góc được soạn thảo vào tháng 2 và bị rò rỉ trên mạng xã hội cũng nhận định, máy bay chiến đấu của Nga sẽ có thể hoạt động tự do hơn trên bầu trời Ukraine nếu hệ thống phòng không của nước này không sớm được bổ sung.
F-16 ra đời từ cuối những năm 1970 song đến nay vẫn được xem là dòng máy bay chiến đấu hiệu quả và tin cậy. Nó được trang bị radar cực mạnh có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm km và tương thích với nhiều loại tên lửa hiện đại của NATO. Do đó, nếu Ukraine được chuyển giao F-16, các nước phương Tây cũng có thể viện trợ đạn dược, tên lửa cho dòng chiến đấu cơ này từ kho vũ khí của họ.
F-16 không phải “tiên dược”
Sau khi Tổng thống Mỹ bật đèn xanh cho việc đào tạo phi công, một số nước sớm công khai bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng chung tay cùng Mỹ, chẳng hạn như Đan Mạch. Cuối tuần trước, ông Troels Lund Poulsen - quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, thông báo nước này có thể cùng tham gia đào tạo phi công cho Ukraine.
Trong khi đó, một quan chức Ba Lan nói với Wall Street Journal rằng, Bộ Quốc phòng nước này dự kiến sẽ sớm thông báo quyết định tổ chức huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine. Ba Lan hiện đang vận hành một phi đội F-16 và có trung tâm hậu cần quan trọng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Những tín hiệu lạc quan đang đến. Nhưng, liệu F-16 liệu có phải giải pháp mang tính bước ngoặt với Ukraine? Câu trả lời, theo nhiều chuyên gia quân sự phương Tây, là không đáng khích lệ.
Daniel Davis, cựu trung tá phi công Mỹ đã có 21 năm phục vụ ở nhiều chiến trường, nhận định việc đào tạo đầy đủ các phi công và đội bảo trì để có thể đưa các máy bay F-16 vào trạng thái chiến đấu đồng thời đảm bảo khả năng bay cho chúng, sẽ mất một thời gian dài. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl hồi tháng 2 cũng cho biết sẽ cần từ 18 đến 24 tháng để đào tạo phi công và đội bảo trì, cũng như vận chuyển máy bay đến địa điểm sử dụng.
Tuy nhiên, một bản đánh giá của không quân Mỹ bị rò rỉ vào tuần trước cho thấy thời gian huấn luyện dự kiến có thể chỉ là 4 tháng. Ngay cả khi điều đó là đúng - và rất có thể sẽ tạo ra các phi công chưa thành thạo - thì quá trình xác định những chiếc F-16 có thể chuyển giao từ các quốc gia đối tác, sau đó cung cấp chúng ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu, với đầy đủ phụ tùng thay thế và đạn dược sẽ khó hoàn tất trước năm 2024. Do đó, có rất ít khả năng F-16 tham chiến trên bầu trời Ukraine trong năm nay.
Hơn thế, dù F-16 là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tốt nhất trên thế giới, nhưng để phát huy hiệu quả, nó phải là một thành phần trong hệ thống cảm biến quản lý chiến đấu chỉ huy và kiểm soát tích hợp. F-16 sẽ bớt lợi hại rất nhiều nếu không có sự hỗ trợ, chẳng hạn như từ máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry. Đến nay, vẫn chưa có cuộc thảo luận nào về việc cung cấp những phi cơ kiểu này cho Ukraine.
F-16 không có khả năng tàng hình nên sẽ dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, chẳng hạn như S-300 và S-400. Một trong những lý do khiến máy bay Ukraine đóng vai trò tối thiểu trong cuộc chiến này là bởi họ không đủ sức vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của Nga. Dù F-16 hiện đại hơn những chiếc MiG[1]29 nhưng nó vẫn dễ tổn thương trước hệ thống phòng không rất mạnh của Nga.
Một lý do nữa để xem xét là sự thận trọng của Mỹ. Dù Tổng thống Biden thay đổi lập trường đối với F-16 song nhiều quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc liên tục nói rằng họ không tin Ukraine cần F-16 ở giai đoạn này của cuộc xung đột.
Bà Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, tháng trước vẫn nói với Hạ viện rằng máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây chỉ xếp hạng “khoảng thứ 8” trong danh sách ưu tiên cho Ukraine. Theo bà Wallander, Mỹ vẫn tập trung vào các nguồn lực “có khả năng ưu tiên cao nhất, đó là phòng không, pháo binh và thiết giáp”.
Về phần mình, Nga cũng phản ứng gay gắt. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố, các nước phương Tây sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp những chiến đấu cơ này cho Ukraine. “Chúng tôi thấy rằng các nước phương Tây vẫn đang theo đuổi kịch bản leo thang. Nó sẽ kéo theo những rủi ro to lớn cho chính họ”, ông Grushko nói với hãng thông tấn TASS. “Trong mọi trường hợp, điều này sẽ được tính đến ở các kế hoạch của chúng tôi và chúng tôi có mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu mình đặt ra”.