Thấy gì sau vụ nữ sinh tiểu học 'phì phèo' thuốc lá trong trường

Các nhà giáo dục cho rằng vụ việc nhóm nữ sinh tiểu học hút thuốc lá trong trường cho thấy những lỗ hổng trong công tác giáo dục và quản lý học sinh.

 Hình ảnh nhóm nữ sinh hút thuốc lá được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Cắt từ clip.

Hình ảnh nhóm nữ sinh hút thuốc lá được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Cắt từ clip.

Ngày 30/3, dư luận xôn xao trước clip gần một phút ghi lại cảnh nhóm nữ sinh mặc đồng phục tiểu học đang hút thuốc lá ngay trong sân trường.

Video do một phụ huynh quay lại rồi đăng lên mạng. Các học sinh tay cầm thuốc lá, bật lửa, “phì phèo” phả khói ra xung quanh. Thậm chí, một em còn đưa thuốc mời một bạn nam cùng hút nhưng em này lắc đầu. Rất nhiều bình luận bày tỏ lo lắng, nhất là khi những học sinh này còn ở bậc tiểu học.

Tác hại của việc hút thuốc lá đã khá rõ ràng. Thế nhưng, đằng sau đó còn là câu chuyện lỗ hổng trong giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Phụ huynh sốc, bàng hoàng khi thấy trẻ tiểu học hút thuốc

Xem video nhóm trẻ tiểu học hút thuốc, chị Phạm Linh (phụ huynh tại Hà Nội) không khỏi bất ngờ, thậm chí có chút sốc, bàng hoàng. Chị đặt ra hàng loạt câu hỏi: Gia đình, nhà trường ở đâu khi các em đang hút thuốc? Tại sao các em lại có thể dễ dàng tiếp cận thuốc lá và bắt chước những hành vi xấu? Liệu việc hút thuốc có đang trẻ hóa?

Chị nhớ cách đây vài tuần, trong một lần đi chơi, thấy người lớn hút thuốc, về nhà, con trai 2 tuổi của chị cũng dùng những vật có hình dạng tương tự và bắt chước hành động hút thuốc, nhả khói.

“Lúc đó, thấy con như vậy, tôi đã rất sốc. Và chỉ sau đó ít lâu, hình ảnh này lại xuất hiện với các nữ sinh tiểu học”, chị Linh nói.

Theo nữ phụ huynh, rõ ràng, những hành động của người lớn đã tác động trực tiếp đến con trẻ, nhất là các con trong độ tuổi vị thành niên, nhận thức chưa đầy đủ.

Chung tâm trạng, xem video lan truyền trên mạng, chị Nguyễn Nga (phụ huynh tại Hà Nội) giật mình, vội quay sang hỏi con gái học lớp 4: “Con thấy thế nào khi các bạn bằng tuổi con hút thuốc lá”.

Chỉ khi con trả lời “Con không nghĩ là chuyện đó có thật vì con không thấy bạn nào của con hút”, chị Nga mới thở phào nhẹ nhõm vì tin rằng môi trường của con không có những hành vi lệch chuẩn này.

Chưa rõ nguyên nhân các nữ sinh trong video hút thuốc, bắt chước từ ai, lấy thuốc từ đâu, nhưng chị Nga thực sự lo lắng.

“Tôi lo các con không được bố mẹ chỉ dạy cách sống lành mạnh, đúng đắn, lo cho những em bị ảnh hưởng tiếp theo từ các bạn. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở điếu thuốc mà sau đó còn nhiều hệ lụy khác về sức khỏe và lối sống của các em”, người mẹ trăn trở.

Bảo vệ trẻ em giống như đạp xe lên dốc

Dưới góc độ người làm giáo dục, cô Nguyễn Thị Hồng Hà (giáo viên tiểu học ở Hà Nội) cũng không tránh khỏi sốc và bất an khi những sự việc trên xảy ra ở lứa tuổi tiểu học - độ tuổi mà các em cần được bảo vệ và hướng dẫn tránh xa những chất gây hại.

“Tôi lo lắng cho sức khỏe và tương lai của các em”, cô Hà nói.

Theo cô giáo, ở độ tuổi vị thành niên, sự thay đổi về tâm sinh lý khiến các em tò mò, thích khám phá và bắt chước hành vi của người lớn. Các nữ sinh có thể đang tìm kiếm sự chú ý hoặc thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ sự trưởng thành với bạn bè.

Và điều này thường xảy ra nhiều ở những học sinh thiếu sự quan tâm và giáo dục đầy đủ từ gia đình, nhà trường. Việc thiếu kiến thức về tác hại của thuốc lá cũng có thể khiến các em không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi này.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng nhận thức của các em có thể lệch lạc nhưng hơn hết, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Theo đó, lỗ hổng nhìn thấy đầu tiên là từ giáo dục gia đình. Ông Nam cho rằng có thể cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm, các con không hạnh phúc, dẫn đến hành vi hút thuốc để giải tỏa. Hoặc cha mẹ quá bận rộn, ít quan tâm trẻ, dần dà trẻ bị lôi kéo, dẫn đến hành vi sai lệch mà không được phát hiện kịp thời. Ngoài ra, gia đình có thể không phải là hình mẫu tốt, bố mẹ cũng hút thuốc dẫn đến việc con học theo.

Thứ hai là lỗ hổng từ giáo dục nhà trường. Đây là nơi trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày để học tập và sinh hoạt. Thế nhưng, ông Nam đặt câu hỏi liệu nhà trường đã giáo dục toàn diện các em? Các em có được giáo dục về sử dụng chất cấm, chất gây nghiện? Giáo viên chủ nhiệm ở đâu khi đây có thể không phải hành vi xảy ra lần đầu?

Tại sao cả một nhóm học sinh hút thuốc ngay trong sân trường, người ngoài có thể quay video nhưng nhân viên bảo vệ lại không phát hiện?

“Liệu lâu nay, giáo viên, nhà trường đã làm tròn việc giáo dục nhận thức cho trẻ, trẻ hiểu được vấn đề? Hay việc này chỉ được làm qua qua cho xong chuyện?”, ông Nam nói.

Cô Hồng Hà bổ sung thêm rằng việc kiểm soát các vật dụng mang vào trường học, đặc biệt là các chất kích thích, có lẽ chưa được thực hiện hiệu quả. Các chương trình giáo dục về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích khác có thể chưa đủ sức thuyết phục và chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

Bên cạnh đó, việc thiếu các hoạt động ngoại khóa lành mạnh và bổ ích cũng có thể khiến học sinh dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực.

Cuối cùng là lỗ hổng trong môi trường xã hội. Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục nhận định các yếu tố tiêu cực từ mạng xã hội, bạn bè, hay những hình ảnh không lành mạnh ở môi trường xung quanh và trên các phương tiện truyền thông rất dễ tác động đến trẻ em.

“Bảo vệ trẻ em giống như đạp xe lên dốc, chỉ cần lơi lỏng là dẫn đến những hậu quả lệch lạc”, ông Nam nhận định.

 Các nhà giáo dục cho rằng học sinh hút thuốc, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội. Ảnh: NLĐ.

Các nhà giáo dục cho rằng học sinh hút thuốc, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội. Ảnh: NLĐ.

Không chỉ trẻ, cha mẹ cũng cần được giáo dục

PGS.TS Trần Thanh Nam khẳng định sự việc lần này là hồi chuông cảnh báo. Thời điểm hiện tại, việc kỷ luật nhóm nữ sinh cũng cần xác định là kỷ luật giáo dục, giúp các em biết tôn trọng nội quy, quy tắc ứng xử trong và ngoài nhà trường, không để bản thân rơi vào các nguy cơ xấu.

“Kỷ luật không phải dọa dẫm, đánh đập mà phải giải thích cho trẻ hiểu hành vi đó ảnh hưởng đến tương lai các con ra sao”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo vị hiệu phó, các em phải được làm sàng lọc. Em nào gặp khó khăn sau khi sự việc bị phát hiện, như bị đánh, bạo lực, ám ảnh thì cần được hỗ trợ, tham vấn tâm lý.

Các bên liên quan cũng cần tính đến trường hợp xấu nhất - thuốc lá các em sử dụng bị kẻ xấu tẩm ma túy, chất gây nghiện - để xử lý.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần làm việc với lớp để những học sinh khác không có hành vi bắt nạt, trêu chọc, tẩy chay hay kỳ thị, miệt thị nhóm nữ sinh liên quan.

Trong khi đó, về phía gia đình, cô Hồng Hà cho rằng cha mẹ và người thân cần làm gương cho con, tuyệt đối không hút thuốc lá trước mặt trẻ.

Người thân cũng cần dành thời gian quan tâm, trò chuyện và lắng nghe con cái để tạo sự gắn kết và tin tưởng; tạo môi trường sống lành mạnh khuyến khích các con tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật…

“Cha mẹ cũng cần tăng cường giám sát trẻ, nhất là các thiết bị điện tử bởi đây là phương tiện để trẻ dễ dàng tiếp cận với hình ảnh tiêu cực cũng như các loại thuốc lá, chất gây nghiện”, cô Hà nói.

Ông Nam cho rằng địa phương phải có chính sách để tăng cường giáo dục gia đình, vận động gia đình quản lý hành vi của con em. Thậm chí, cần thiết địa phương phải tổ chức những khóa học để tư vấn cho cha mẹ, ông bà cách thức giáo dục tích cực.

Thực tế, học sinh sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở một hành động cụ thể là hút thuốc mà còn kéo theo loạt hành vi khác như bạo lực học đường, đua xe, uống rượu, ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.

Về phía nhà trường, các nhà giáo dục đều cho rằng trường học cần xem xét lại công tác tổ chức các hoạt động phòng ngừa, rà soát lại công tác quản lý, giám sát học sinh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần rà soát hoạt động bên ngoài trường, xử lý những đối tượng xấu có hành vi dẫn dụ các em, hàng quán gần cổng trường cũng cần hạn chế thuốc lá, tuyệt đối không bán thuốc lá cho trẻ…

Ngoài ra, chính mỗi người trong cộng đồng cũng cần có trách nhiệm. Ông Nam cho rằng nếu phát hiện trẻ hút thuốc, người lớn cần đưa các cháu vào nhà trường, phản ánh để giáo dục các cháu, chứ không phải thấy trẻ hút thuốc thì làm ngơ, thấy lạ nên quay video rồi lan truyền trên mạng.

“Đó không phải thực hiện trách nhiệm xã hội mà thậm chí còn là hành vi vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh các video này cần được gỡ xuống để đảm bảo quyền riêng tư của các em.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-sau-vu-nu-sinh-tieu-hoc-phi-pheo-thuoc-la-trong-truong-post1542407.html