Thấy gì từ các vụ sáp nhập trong ngành dầu khí?
Niềm hy vọng của giới đầu tư đã nhanh chóng vụt tắt khi Shell bác bỏ thông tin cho rằng hãng đang trong quá trình đàm phán sáp nhập với BP, gọi đây chỉ là 'suy đoán của thị trường' - mặc dù trước đó tờ The Wall Street Journal đã đưa tin về những cuộc trao đổi sơ bộ giữa hai bên. Tuy vậy, theo các nhà phân tích và cố vấn trong ngành dầu khí, một làn sóng hợp nhất nhiều khả năng vẫn đang đến gần.

Shell bác bỏ thông tin cho rằng hãng đang trong quá trình đàm phán sáp nhập với BP. Ảnh AFP
Điều này có thể tạo ra những tác động đan xen đến tốc độ và định hướng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Một mặt, các chuyên gia cho rằng những tập đoàn niêm yết thường phải chịu trách nhiệm cao hơn về lượng phát thải và buộc phải công bố thông tin minh bạch so với các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng mặt khác, xu hướng sáp nhập và thâu tóm đang manh nha có thể phản ánh quan điểm rằng các công ty dầu khí vẫn có niềm tin rằng nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ tiếp tục.
Vụ sáp nhập đầy tiềm năng giữa Shell và BP - hai trong số những “ông lớn” của ngành dầu mỏ thế giới - sẽ có quy mô ngang ngửa với thương vụ sáp nhập đình đám giữa Exxon và Mobil vào năm 1999, vốn đã tạo ra tập đoàn dầu khí phương Tây lớn nhất cho đến nay. Trong thập niên kế tiếp, cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến bằng phương pháp nứt vỡ thủy lực đã biến Mỹ thành nước xuất khẩu dầu khí, đồng thời kéo theo những hệ lụy lớn đối với biến đổi khí hậu.
“Khi đó, ngành công nghiệp và quyền kiểm soát tài nguyên trở nên phân mảnh đáng kể, với hàng loạt công ty nhỏ - cả doanh nghiệp tư nhân lẫn tập đoàn niêm yết - dẫn đầu làn sóng khai thác dầu đá phiến. Nhưng kể từ sau năm 2020, tôi cho rằng ngành này đang dần quay trở lại mô hình tập trung như cách đây 20 năm”, ông Andrew Dittmar, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu năng lượng Enverus, nhận định. Ông Dittmar chuyên theo dõi các thương vụ mua bán - sáp nhập trong lĩnh vực dầu khí.
Năm ngoái, các doanh nghiệp khai thác dầu khí đã thực hiện các thương vụ trị giá 105 tỷ USD, sau khi lập kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2023, theo dữ liệu từ Enverus.
Nhiều thương vụ trong số này, chẳng hạn như việc ExxonMobil mua lại Pioneer Natural Resources với giá 60 tỷ USD vào năm ngoái, được thúc đẩy bởi chiến lược tích lũy các tài sản hiện có tại những khu vực khai thác dầu như vùng Permian Basin của Mỹ, như một lựa chọn thay thế cho việc thăm dò các mỏ dầu mới. Một số thương vụ cũng mang lại cho các công ty cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm ô nhiễm - ít nhất là khi tính trên mỗi thùng dầu. Tất cả các tập đoàn lớn đều là thành viên của Đối tác Khí mê-tan Dầu khí, một chương trình của Liên Hợp Quốc về báo cáo và giảm thiểu khí mê-tan.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2022 của Quỹ Bảo vệ Môi trường cho thấy phần lớn tài sản được chuyển nhượng trong các thương vụ từ năm 2017 đến 2021 đã chuyển từ các doanh nghiệp công sang khu vực tư nhân. Báo cáo cho biết, một số thương vụ này đã chuyển giao tài sản từ các công ty lớn có cam kết môi trường - chẳng hạn như kiểm soát lượng khí mê-tan gây nóng lên toàn cầu hoặc đạt mức phát thải ròng bằng 0 - sang các công ty quy mô nhỏ và không có những cam kết tương tự.
“Nếu họ không khai thác những thùng dầu đó, vẫn sẽ có người khác làm”, Gabe Malek, học giả Knight-Hennessy tại Trường Luật Stanford, người có nền tảng về tài chính khí hậu, cho biết. Trước đây, anh từng làm việc cho Quỹ Bảo vệ Môi trường và là tác giả của báo cáo năm 2022 của tổ chức này.
Các quyết định của những tập đoàn dầu mỏ lớn - bao gồm ExxonMobil, Chevron và TotalEnergies bên cạnh BP và Shell - có ảnh hưởng đáng kể đến thế giới. Họ đáp ứng hơn 8% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu mỗi năm và theo cơ sở dữ liệu Carbon Majors, họ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% lượng phát thải toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.
Đã từng là điều không tưởng khi cho rằng một doanh nghiệp như BP - được thành lập vào năm 1909 với tên gọi Công ty Dầu Anglo-Persian - lại có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của một thương vụ thâu tóm bởi một tập đoàn lớn khác.
Tuy nhiên, lợi nhuận và cổ phiếu của BP đã hoạt động kém hiệu quả trong vài năm qua, trong khi định giá của ExxonMobil và Chevron - hai tập đoàn có trụ sở tại Mỹ - đã vượt xa các đối thủ. “Các tập đoàn lớn ở Bắc Mỹ vẫn tập trung vào hoạt động cốt lõi là dầu khí. Điều này giúp họ vượt trội hơn so với các đối thủ châu Âu”, Dittmar nhận định.
Chiến lược phát thải ròng bằng 0 được BP công bố rầm rộ vào năm 2020 - với mục tiêu chuyển mình từ doanh nghiệp dầu khí truyền thống thành tập đoàn năng lượng hàng đầu với các giải pháp carbon thấp - rốt cuộc đã không gây ấn tượng mạnh với các cổ đông. “Rất khó để trở thành kẻ phá vỡ quy chuẩn trong ngành năng lượng khi toàn bộ lợi nhuận của bạn vẫn đến từ ngành năng lượng truyền thống”, Andrew Baxter, Giám đốc cấp cao phụ trách chuyển dịch năng lượng tại Quỹ Bảo vệ Môi trường, cho biết.
Giữa cuộc khủng hoảng quản lý vào năm 2023, BP đã quay trở lại định hướng ban đầu, khi CEO mới tìm cách đưa công ty trở về với cội rễ dầu khí, từ bỏ - dưới áp lực từ các nhà đầu tư - những mục tiêu khí hậu ngắn hạn bị cho là quá tham vọng. Không chỉ vậy, công ty còn mất hàng tỷ USD để giải quyết các khoản bồi thường và cáo buộc liên quan đến thảm họa tràn dầu nghiêm trọng tại giàn khoan ngoài khơi Deepwater Horizon vào năm 2010.
Ngược lại, các nhà đầu tư lại ủng hộ cách tiếp cận tập trung của các công ty dầu khí Mỹ. Ví dụ, “Exxon không cố gắng trở thành công ty điện gió ngoài khơi hay doanh nghiệp vận hành các trang trại điện mặt trời”, David Root từ FFI Solutions - một công ty tư vấn tập trung vào vấn đề khí hậu - cho biết. “Thay vì đầu tư lợi nhuận giữ lại vào một “bữa tiệc hỗn hợp” các nguồn năng lượng tái tạo, họ hoàn trả nguồn vốn đó cho cổ đông”.
Đây là một phần trong chiến lược của các công ty dầu khí những năm gần đây nhằm thu hút nhà đầu tư bằng mức lợi nhuận hấp dẫn. Trong ba năm vừa qua, các tập đoàn dầu khí lớn đã hoàn trả tổng cộng hơn 100 tỷ USD cho cổ đông thông qua cổ tức và chương trình mua lại cổ phiếu.
“Nếu họ dùng số vốn đó để thăm dò và phát triển các mỏ dầu mới, đó sẽ là dấu hiệu rõ ràng rằng quá trình chuyển dịch năng lượng đang thất bại nghiêm trọng”, Baxter từ Quỹ Bảo vệ Môi trường nhận định. “Việc sáp nhập, mua lại, hoàn trả tiền cho cổ đông, cũng như việc miễn cưỡng mở rộng hoạt động thăm dò là những dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển dịch năng lượng đang thực sự diễn ra”.
Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cũng có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để vận động hành lang nhằm thúc đẩy việc nới lỏng quy định và làm chậm quá trình phát triển của năng lượng tái tạo. “Họ có thể nghĩ rằng việc vận động chống lại một số điều khoản khuyến khích công nghệ năng lượng sạch sẽ giúp họ giữ được lợi thế cạnh tranh, nhưng rốt cuộc điều đó lại làm giảm khả năng cạnh tranh của nước Mỹ”, Malek nhận định.
Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm những gương mặt thân thiện để điều hành lĩnh vực dầu khí: cựu Hạ nghị sĩ bang New York Lee Zeldin - người từng bỏ phiếu phản đối gói chính sách khí hậu của Tổng thống Biden khi còn ở Quốc hội - hiện đang lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA); cựu Thống đốc bang North Dakota Doug Burgum - người được cho là đã tham dự một cuộc họp trước bầu cử, nơi ông Trump đề nghị nới lỏng quy định khai thác dầu để đổi lấy 1 tỷ USD đóng góp từ các giám đốc điều hành ngành dầu khí - hiện giữ chức Bộ trưởng Nội vụ; Chris Wright, cựu CEO của công ty khai thác dầu đá phiến Liberty Energy, hiện đang đứng đầu Bộ Năng lượng.
Một số doanh nghiệp dầu khí đã rút lui khỏi các kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo từng được công bố trước đây và tập trung vào dầu khí. Các thương vụ sáp nhập khó có khả năng thay đổi thực tế này.
“Ngành công nghiệp này đang rút khỏi những cam kết tiến bộ về khí hậu. Mọi nỗ lực rồi sẽ trở nên muộn màng và chúng ta sẽ phải hối tiếc vì đã đánh mất những cơ hội để giảm thiểu tổn thất và khổ đau cho con người”, Richard Heede, Giám đốc Viện Trách nhiệm Khí hậu, người đã khởi xướng cơ sở dữ liệu Carbon Majors vào năm 2013, phát biểu.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thay-gi-tu-cac-vu-sap-nhap-trong-nganh-dau-khi-730276.html