Thấy gì từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Singapore và Malaysia?
Theo nhận định của một số chuyên gia, thương mại và đầu tư là động lực chính trong chuyến công du Trung Quốc lần này của hai nhà lãnh đạo.
Ngày 27/3, Thủ tướng Singpapore Lý Hiển Long đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, dự kiến kéo dài đến 1/4. Đây là lần đầu tiên ông tới Bắc Kinh sau 4 năm, kể từ đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim mới đặt chân đến Trung Quốc trong ngày hôm qua để bắt đầu chuyến công du 4 ngày. Đặc biệt, chuyến đi này đánh dấu lần đầu tới Bắc Kinh của ông trên cương vị người đứng đầu chính phủ Malaysia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 30/3, hai nhà lãnh đạo đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2023 tại tỉnh Hải Nam, với chủ đề Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức.
Bên cạnh Diễn đàn châu Á Bác Ngao - hội nghị thường niên được thành lập năm 2001 để thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, ông Lý Hiển Long và ông Anwar Ibrahim dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Vương Hỗ Ninh.
Chiến lược “chủ động”
Các nhà phân tích cho biết, các chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của hai vị lãnh đạo Singapore và Malaysia thể hiện chiến lược “chủ động” của các quốc gia Đông Nam Á nhằm củng cố quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Singapore sẽ nhấn mạnh tính trung lập của mình và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Malaysia có thể “nghiêng” về phía Bắc Kinh do ưu tiên các vấn đề kinh tế.
Ông Peter Mumford, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với Singapore và Malaysia, cũng như với toàn bộ ASEAN.
Trong đó, Singapore muốn thể hiện sự trung lập về địa chính trị và sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Trả lời phỏng vấn của CCTV (Trung Quốc) vào đầu tháng 3, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo tác động của căng thẳng Mỹ-Trung: “Thế giới sẽ không thể gánh vác được xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc”. Đồng thời, ông kêu gọi hai bên cần từng bước ổn định lại mối quan hệ, xây dựng lòng tin để từ đó hợp tác phát triển.
Đối với Malaysia, chuyên gia Mumford cho biết, cần thêm thời gian để có thể trả lời cho việc Thủ tướng Anwar - người từng được cho là thân thiện với phương Tây hơn so với các vị lãnh đạo tiền nhiệm, có đi theo cách tiếp cận khác hay không. “Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực của chính quyền ông Anwar đối với thỏa thuận AUKUS gần đây…cho thấy họ cũng muốn làm hài lòng Bắc Kinh”, ông Mumford phân tích.
Đầu tháng này, ngay sau khi Mỹ và Anh tuyên bố bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, trong đó có mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc, Malaysia đã kêu gọi tất cả các nước kiềm chế mọi “hành động khiêu khích” có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, làm ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Các nhà phân tích cũng khẳng định, vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Anwar, trong đó Malaysia đặc biệt hoan nghênh Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào việc phát triển quốc gia này.
Theo dữ liệu chính thức từ hai nước, từ tháng 1-11/2022, thương mại song phương Trung Quốc-Malaysia tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 184,75 tỷ USD, và đầu tư của Trung Quốc đạt 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, chiếm 55,6% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Malaysia.
Đẩy mạnh quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc
Trước ông Lý Hiển Long và ông Anwar Ibrahim, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24-29/3.
Trong chuyến công du này, ông Kao Kim Hourn cho biết, ASEAN sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc - đối tác lớn của khối trên mọi lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0, cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho khu vực.
Theo ông Ge Hongliang, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), việc các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN liên tiếp đến thăm Trung Quốc trong vài tháng qua, cho thấy khối này rất coi trọng quan hệ với Bắc Kinh.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và ổn định địa chính trị khu vực là mối quan tâm hàng đầu, cũng như nhiệm vụ cốt lõi lúc này. Do đó, ASEAN coi trọng việc hợp tác với các nước, trong đó có Trung Quốc.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định, Singapore là “bộ não của ASEAN” nên quan điểm và lập trường của quốc gia này sẽ phần nào đó phản ánh tư duy chiến lược của khu vực. Theo chuyên gia Ge Hongliang, trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long, dự kiến Trung Quốc-Singapore sẽ tiếp tục nhấn mạnh khái niệm hợp tác đa phương và hợp tác cùng có lợi.
"Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại ở châu Á và đề nghị tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Sự hợp tác này cũng có thể sẽ xây dựng nên một hình mẫu cho hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN khác”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, ông Don McLain Gill, Giám đốc Nam Á và Đông Nam Á tại Hiệp hội Nghiên cứu Trung Đông-Philippines khẳng định: “Không thể phủ nhận rằng các chuyến thăm sẽ nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa các nước ASEAN với Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Đông Nam Á. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về hòa bình và ổn định cũng có thể sẽ là một trọng tâm khác của các chuyến đi”.
Theo chuyên gia Dylan Loh từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), quan hệ Mỹ-Trung cũng có thể là một chủ đề lớn của các cuộc họp tuần này. Ông cho biết, vai trò của ASEAN dự kiến sẽ được nhấn mạnh, vì khối khu vực này có mối quan hệ kinh tế và an ninh lâu dài với Trung Quốc và Mỹ.