Thấy gì từ chuyện trái dừa Việt gặp khó đầu ra?

Cạnh tranh 'cực gắt' với Thái Lan về giá cả trong khi công nghệ chế biến, bảo quản vẫn còn hạn chế, cộng với việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc vốn đầy bất trắc, khiến cho xuất khẩu dừa của Việt Nam gặp khó đầu ra. Cho nên câu chuyện giảm giá dừa thô một cách kỷ lục như hiện tại cũng là điều khó tránh khỏi.

Ở “thủ phủ” dừa Bến Tre, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu (XK) khoảng 2,7 triệu trái dừa tươi (tương đương 1,9 triệu USD). Con số này được cho là giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021. Không những vậy, giá XK dừa cũng giảm khoảng 15 - 20% (16 ngàn đồng/trái giá FOB năm 2022 so với 20 - 22 ngàn đồng/trái hồi năm 2021).

Có đủ “sức” cạnh tranh?

Ghi nhận của VnBusiness trong thượng tuần tháng 7/2022, giá dừa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục có chiều hướng đi xuống và giảm sâu xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây. Hiện giá dừa khô ở Bến Tre giảm ở mức còn 1.500 - 2.000 đồng/trái, còn ở Tiền Giang, đối với vườn dừa xa đường giao thông có giá chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/trái.

Ở “thủ phủ” dừa Bến Tre, XK dừa trong nửa đầu năm nay giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021.

Ở “thủ phủ” dừa Bến Tre, XK dừa trong nửa đầu năm nay giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021.

Lý giải chuyện giá dừa tụt dốc không phanh, ông Trần Văn Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho rằng, do ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh về giá giữa các nước XK dừa trên thế giới. Theo ông, chuyện cạnh tranh này có thể thấy rõ từ đối thủ lớn nhất là Thái Lan. Thời gian qua, Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc, thế nhưng Trung Quốc đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, hạn chế nhập khẩu khiến cho dừa Thái Lan khó xuất qua Trung Quốc.

Điều đó dẫn đến việc Thái Lan buộc phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ dừa, khiến cho việc cạnh tranh về giá của trái dừa Việt càng thêm khó khăn giữa áp lực “bão” chi phí.

Mặt khác, trong chuyện cạnh tranh dừa Thái Lan với dừa Việt, ngoài vấn đề về giá cả thì cần để ý đến tính chênh lệch trong năng lực chế biến sâu. Nhất là Thái Lan vẫn nhập khẩu dừa của Việt Nam để phục vụ cho hoạt động chế biến của mình.

Riêng hồi Quý I/2022, theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, có đến 50% giá trị XK dừa của Việt Nam được đưa đến thị trường Thái Lan và Ai Cập.

Tỷ trọng nhập khẩu dừa từ Việt Nam có nhiều thời điểm chiếm hơn 30% tổng lượng dừa của Thái Lan. Thậm chí, phía BSA có dẫn dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, hồi năm 2020 dừa Việt Nam chiếm đến gần 60% tổng sản lượng nhập khẩu của Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan còn nhập khẩu dừa từ các nước Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines để thực hiện chế biến sâu và XK ra thế giới các sản phẩm chế biến từ dừa rất đa dạng và có giá trị cao.

Cho nên, nếu so sánh với Thái Lan, giới chuyên gia cho rằng tuy năng lực chế biến gần đây đã có cải thiện nhưng phần lớn các sản phẩm dừa của Việt Nam XK vẫn thuộc nhóm hàng dừa tươi và sản phẩm sơ chế.

Để không đi vào “vết xe đổ”

Không những vậy, việc XK dừa vào Thái Lan càng cho thấy năng lực cạnh tranh trong mảng chế biến khai thác các giá trị từ dừa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn khiêm tốn, trong thời gian dài vẫn chưa có nhiều cải thiện đột phá dù chúng ta có lợi thế vượt trội về vùng nguyên liệu.

Hơn thế nữa, công nghệ bảo quản của trái dừa tươi của Thái Lan cũng được cho là hơn hẳn trái dừa Việt, trong khoảng thời gian 4 - 6 tuần lễ vẫn giữ nguyên được chất lượng tự nhiên. Từ đó giúp nước này tăng lợi thế cạnh tranh khi XK trái dừa tươi đến các thị trường trên thế giới.

Ngay như việc XK dừa vào thị trường Mỹ gặp khó cũng chính vì công nghệ bảo quản còn hạn chế. Như hồi tháng 4/2022, yêu cầu mới trong điều luật của của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có đưa ra quy định về gọt vỏ trái dừa không cho nhập khẩu dừa tươi gọt còn vỏ trắng mà phải gọt tới phần sọ dừa. Việc này khiến việc bảo quản dừa XK của Việt Nam không được tốt vì thời gian vận chuyển kéo dài.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, do công nghệ bảo quản của Việt Nam còn hạn chế trong khi Thái Lan lại thừa sức để làm. Với dừa tươi gọt còn vỏ trắng mà phải gọt tới phần sọ dừa, 1 container của Việt Nam chỉ đi được 10.000 trái dừa. Trong khi đó, khi gọt tới phần sọ dừa cùng công nghệ bảo quản tốt, Thái Lan có thể đi được 15.000 trái cho 1 container, giúp chi phí vận chuyển thấp và tạo sức cạnh tranh rất lớn đối với sản phẩm cùng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, việc lệ thuộc vào thị trường lớn như Trung Quốc khiến cho trái dừa Việt dễ đi vào “vết xe đổ” như nhiều loại nông sản khác. Như tại Bến Tre, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa và dừa trái lớn nhất của tỉnh này.

Thế nhưng Trung Quốc hiện đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô của Bến Tre XK sang thị trường này từ đầu năm đến nay đã giảm gần 80%, còn sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không XK được.

Đây là lý do mà hôm 4/7, UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh này xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường XK như Mỹ, Trung Đông, châu Phi, EU…, cũng như đề nghị Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ DN trong tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài (nhất là những nước trong các hiệp định thương mại tự do) để XK dừa được khơi thông.

Thực ra, cần phải thừa nhận Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn đối với trái dừa Việt cũng như nhiều loại nông sản khi có sức tiêu thụ lớn (trong nhiều trường hợp giá trị thị trường Trung Quốc mua dừa trong một tuần có thể bằng giá trị các thị trường khác mua cả năm).

Thế nhưng, việc phụ thuộc quá lớn đầu ra vào một thị trường duy nhất sẽ khiến trái dừa Việt trở nên thụ động và giá cả cũng dễ dàng bị tác động tiêu cực từ những thay đổi nhỏ của thị trường.

Cho nên, việc XK dừa trong thời gian tới không chỉ đến Trung Quốc mà còn phải đẩy mạnh sang các thị trường khác. DN XK dừa Việt phải “tự soi, tự sửa” về mặt thị trường XK, có như vậy mới ổn định được đầu ra và ổn định được giá bán.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-chuyen-trai-dua-viet-gap-kho-dau-ra-1086506.html