Thấy gì từ 'cú sốc' ông Dick Cheney quay lưng với ông Trump

Nhiều đảng viên Cộng hòa, trong đó có những người bị đảng Dân chủ chỉ trích, công khai phản đối ông Trump và ủng hộ bà Harris. Điều này sẽ tác động ra sao tới cục diện bầu cử?

Dick Cheney - đảng viên Cộng hòa kỳ cựu - từ lâu đã bị đảng Dân chủ chỉ trích vì sự ủng hộ quyết liệt của ông với chiến tranh Iraq khi còn là phó tổng thống. Tuy nhiên, tuần trước, ông Cheney gây bất ngờ khi gạt bỏ lòng trung thành với đảng và quay sang ủng hộ chiến dịch vào Nhà Trắng của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris.

Trong khi đó, phe Dân chủ cũng từng đả kích cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Alberto Gonzales, sau các vụ như ông đột ngột sa thải các công tố viên. Mặc dù từng phục vụ dưới thời Tổng thống George W.Bush, ông Gonzales hiện lại chọn ủng hộ bà Harris thay vì ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

AP nhận định những động thái này cho thấy sự chuyển biến đáng chú ý của những nhân vật có tiếng tăm trong đảng Cộng hòa từng giữ chức vụ cao trong những năm ông Bush nắm quyền. Họ, những người từng bị đảng Dân chủ phê phán, lo ngại viễn cảnh cựu tổng thống trở lại Nhà Trắng tới mức họ phản đối ứng viên do chính đảng mình đề cử.

Họ cũng đang trao cho bà Harris cơ hội quan trọng để mở rộng tầm ảnh hưởng.

“Những đảng viên Cộng hòa nổi tiếng như Cheney và Gonzales có thể dễ dàng ủng hộ Kamala Harris hơn vì trên thực tế, họ cho rằng đảng đã không còn được như trước”, Will Marshall - người sáng lập Viện Chính sách Tiến bộ - cho biết. “Mối liên hệ với đảng phái, vốn luôn mạnh mẽ ở cả hai đảng, đã bị suy yếu bởi ông Trump, khiến đảng Cộng hòa không được nhiều người từng phục vụ trong các chính quyền trước đây đón nhận”.

Về phía ông Bush, một phát ngôn viên cho biết cựu tổng thống sẽ không tuyên bố công khai về lựa chọn của mình.

Có tác động đủ lớn tới đảng Cộng hòa?

Sự ủng hộ của đảng viên Cộng hòa với ứng viên đảng đối lập dường như vì họ không thích ông Trump, thay vì đồng tình với các lập trường chính sách của bà Harris. Bà Harris thường xuyên đề cập hơn 200 đảng viên Cộng hòa đã ủng hộ bà, và nhấn mạnh chiến dịch hoan nghênh “mọi người Mỹ, bất kể đảng phái nào, những người coi trọng nền dân chủ và pháp quyền”.

Phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, cựu Phó thống đốc Georgia Geoff Duncan nói “những đảng viên Cộng hòa uy tín” có thể thuyết phục những người phản đối ông Trump bỏ phiếu chống lại ông, thay vì ngồi ngoài cuộc bầu cử.

“Tôi không biết liệu có thể thuyết phục ai đó thích Trump sang thích Harris không”, ông Duncan nói. “Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thuyết phục một người chỉ ngồi nhà, không bỏ phiếu cho bất cứ ai, sang bỏ phiếu cho Kamala Harris”.

 Cựu Phó thống đốc Geoff Duncan muốn thuyết phục những người không thích ông Trump bỏ phiếu cho bà Harris. Ảnh: CNN.

Cựu Phó thống đốc Geoff Duncan muốn thuyết phục những người không thích ông Trump bỏ phiếu cho bà Harris. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, chưa rõ những thành viên đảng Cộng hòa, vốn từng bị lên án gay gắt bởi đảng Dân chủ, thực sự có ảnh hưởng lớn đến mức nào, đặc biệt trong bối cảnh ông Cheney là một nhân vật gây tranh cãi và chia rẽ chính trường Washington suốt nhiều thập niên.

Ông Cheney phục vụ 3 tổng thống đảng Cộng hòa trong các vai trò khác nhau, từ chánh văn phòng Nhà Trắng đến bộ trưởng Quốc phòng và phó tổng thống.

Đảng Dân chủ nhắm tới chính trị gia này trên nhiều mặt trận. Ông gây tranh cãi khi quảng bá cho Halliburton - một công ty quốc phòng ông từng làm giám đốc điều hành, hay vướng vào bê bối tiết lộ danh tính của điệp viên CIA Valerie Plame.

Sau khi cựu phó tổng thống vô tình bắn một người bạn trong chuyến đi săn năm 2006, ngay cả Peggy Noonan - chuyên gia trong chiến dịch tái tranh cử của ông Bush - cũng cho rằng ông có thể cần phải từ chức.

Trong bài phát biểu năm 2005, ông Cheney chế giễu những người phản đối chiến tranh Iraq là “những kẻ cơ hội”. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng chính quyền Bush cố tình lừa dối công chúng về sự hiện diện của vũ khí hủy diệt hàng loạt, gọi đó là "một trong những cáo buộc gian dối và đáng lên án nhất từng được đưa ra" ở Washington.

Tuy nhiên, ông Cheney vẫn “sống sót” suốt hai nhiệm kỳ của ông Bush.

Nội bộ đảng chia rẽ tư tưởng

Đảng Cộng hòa từ lâu có sự chia rẽ trong tư tưởng. Ông Trump, trong chiến dịch năm 2016, lật ngược nhiều luận điểm cốt lõi bảo thủ của đảng Cộng hòa, bao gồm cả việc khẳng định ông luôn phản đối cuộc chiến.

Ông Cheney công khai phê phán chính sách đối ngoại của cựu tổng thống. Trong một cuộc họp kín năm 2019, ông lên án việc ông Trump không coi trọng vai trò của NATO và bất ngờ thông báo rút quân khỏi Syria.

Sự rạn nứt một lần nữa hiện diện sau cuộc bạo loạn vào Điện Capitol hôm 6/1/2021. Ông Cheney đến Điện Capitol vào đúng ngày kỷ niệm một năm, ngồi cùng con gái Liz Cheney với tư cách là hai thành viên duy nhất của đảng Cộng hòa tại phiên họp Hạ viện.

Bà Cheney - mất ghế trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2022 - cũng tuyên bố ủng hộ bà Harris vào tuần trước.

 Cha con ông Cheney công khai tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Trump. Ảnh: New York Times.

Cha con ông Cheney công khai tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Trump. Ảnh: New York Times.

Crystal McLaughlin - một nhân viên chăm sóc sức khỏe 53 tuổi tại Greensboro, North Carolina - cho biết bà "rất, rất lo lắng" khi ông Cheney làm phó tổng thống, nhưng đánh giá cao sự ủng hộ của gia đình Cheney. Bà kỳ vọng những đảng viên Cộng hòa khác sẽ tiếp bước.

Cựu Bộ trưởng Gonzales cho biết ông mới chỉ nói chuyện với ông Trump một lần. Trong bài viết trên Politico hôm 12/9, ông trở thành đảng viên Cộng hòa nổi tiếng mới nhất lên án ông Trump. Ông Gonzales trích dẫn vụ bạo loạn Điện Capitol, các vụ án hình sự và nhiều yếu tố khác để gắn mác ông Trump “không đủ tư cách đảm nhiệm chức vụ và coi thường pháp quyền”.

“Khi Mỹ tiến gần đến cuộc bầu cử quan trọng, tôi không thể ngồi yên nhìn Donald Trump - có lẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với pháp quyền của Mỹ trong thời gian trở lại đây - quay lại Nhà Trắng”, ông viết.

Luận điểm này của ông Gonzales gây chú ý, khi chính bản thân ông cũng bị đảng Dân chủ và một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích, trước khi phải từ chức, vì lùm xùm sa thải đột ngột một nhóm công tố viên Mỹ.

Một số người bị sa thải khi đó nói họ cảm thấy áp lực khi phải điều tra đảng Dân chủ trước bầu cử. Ông Gonzales khẳng định việc sa thải dựa trên những đánh giá về năng suất làm việc của các công tố viên.

Với tư cách là cố vấn Nhà Trắng vào năm 2004, ông Gonzales thúc đẩy gia hạn chương trình nghe lén trong nước, bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp Mỹ. Mặc dù giới lãnh đạo đảng Cộng hòa ủng hộ việc chính phủ giám sát chặt chẽ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, tinh thần đó suy giảm đáng kể khi các nhà lập pháp lắng nghe sự hoài nghi của ông Trump với FBI.

“Mọi đảng viên Cộng hòa, phần lớn, vào một thời điểm nào đó, sẽ phải chấp nhận và thừa nhận Donald Trump đã sai, không phù hợp với đảng”, ông Duncan - cựu phó thống đốc Georgia - nói. “Chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ nhận ra điều đó”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-tu-cu-soc-ong-dick-cheney-quay-lung-voi-ong-trump-post1497949.html